Hơn 59% doanh nghiệp dự báo kinh doanh sẽ thuận lợi hơn
Chính phủ và các địa phương trong cả nước cần tập trung rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh.
Tổng cục Thống kê vừa cho biết, dự báo quý I/2019 có 59,6% doanh nghiệp xây dựng đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh giữ ổn định và thuận lợi hơn (35,7% doanh nghiệp đánh giá giữ ổn định và 23,9% doanh nghiệp đánh giá thuận lợi hơn); 37,5% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn.
Theo hình thức sở hữu, dự báo quý I/2019, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước khả quan nhất với 59% doanh nghiệp đánh giá ổn định và thuận lợi hơn (35% ổn định và 24% thuận lợi hơn); tỷ lệ này của khu vực doanh nghiệp nhà nước là 57% (32% ổn định và 24% thuận lợi hơn); khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (khu vực doanh nghiệp FDI) là 58% (38% ổn định và 20% thuận lợi hơn) so với quý IV/2018.
Theo đó, dự báo quý I/2019, các doanh nghiệp xây dựng nhà các loại khả quan nhất với 60% doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh giữ ổn định và thuận lợi hơn; tỷ lệ này của doanh nghiệp xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng là 60% và doanh nghiệp hoạt động xây dựng chuyên dụng là 57% so với quý IV/2018.
Hơn 59% doanh nghiệp dự báo kinh doanh ổn định và thuận lợi hơn. Ảnh minh họa: TTXVN |
Tổng cục Thống kê cho biết, có sự khác biệt đáng kể trong việc sử dụng chi phí nguyên, vật liệu trực tiếp ở các khu vực. Dự báo quý I/2019, việc sử dụng chi phí nguyên, vật liệu trực tiếp được đánh giá khả quan hơn ở cả 3 khu vực doanh nghiệp.
Cụ thể, khu vực doanh nghiệp nhà nước với 50% doanh nghiệp nhận định chi phí nguyên, vật liệu trực tiếp giữ ổn định và giảm; tỷ lệ này của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước là 49% và khu vực doanh nghiệp FDI là 62% so với quý IV/2018.
Về chi phí nhân công, dự báo quý I/2019, có 56% doanh nghiệp nhận định chi phí nhân công giữ ổn định và giảm (38% giữ ổn định và 18% giảm); 43% doanh nghiệp nhận định chi phí nhân công tăng so với quý IV/2018.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, Chính phủ và các địa phương trong cả nước cần tập trung rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh cá thể, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển.
Đồng thời, Chính phủ cần có chính sách và giải pháp phù hợp để khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể chuyển thành doanh nghiệp, tạo dựng điều kiện kinh doanh thuận lợi cho cơ sở cá thể hoạt động ổn định, lâu dài và tuân thủ pháp luật.
Theo Tổng cục Thống kê, đây là cuộc điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh hàng quý ngành xây dựng bao gồm 5.300 doanh nghiệp đang hoạt động xây dựng được chọn mẫu điều tra, đại diện cho toàn bộ doanh nghiệp ngành xây dựng và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tỷ lệ doanh nghiệp trả lời trong kỳ điều tra quý IV/2018 đạt trên 88%. Thông tin thu thập từ các doanh nghiệp phản ánh xu hướng sản xuất kinh doanh ngành xây dựng về các mặt: tổng quan hoạt động sản xuất kinh doanh ngành xây dựng; xu hướng sử dụng các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất; nhận định về chính sách hỗ trợ của hệ thống hành chính nhà nước và tiếp cận vốn phục vụ sản xuất kinh doanh…/.
Hà Nội miễn phí thành lập doanh nghiệp mới từ tháng 8/2018