Kiểm tra xử lý 4 doanh nghiệp tạm nhập, tái xuất 26 ô tô
VOV.VN - Quá trình kiểm tra nếu phát hiện có vi phạm, Tổng cục Hải quan phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến 4 doanh nghiệp đã có hành vi gian dối khi làm hồ sơ, chứng từ trong quá trình làm thủ tục tạm nhập tái xuất 26 ô tô, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình về vụ việc này.
Theo đó, Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Xuất nhập khẩu Hải Long Thăng, Công ty TNHH Trường Giang Móng Cái, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Đức Thịnh và Công ty Cổ phần thương mại quốc tế NC đã có hành vi gian dối khi làm hồ sơ, chứng từ trong quá trình làm thủ tục tạm nhập tái xuất 26 ô tô tại thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, có dấu hiệu vi phạm Luật Hải quan.
Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra làm rõ việc tạm nhập tái xuất ô tô của 4 doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: KT) |
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Công an, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia khảo sát, có báo cáo đánh giá chung về hoạt động tạm nhập, tái xuất, nhất là đối với những hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt, kinh doanh có điều kiện tại một số địa bàn trọng điểm.
Bên cạnh đó, đề xuất cơ chế, chính sách thời gian tới, có cho phép tiếp tục tạm nhập, tái xuất hay không đối với một số mặt hàng như ô tô, rượu ngoại, thuốc lá ngoại nhằm chấn chỉnh, tăng cường quản lý hoạt động này, không để các đối tượng lợi dụng việc tạm nhập, tái xuất thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế gây thất thu ngân sách nhà nước; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 1/2017.
Liên quan đến đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, Phó Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch triển khai có hiệu quả Quyết định số 19/2016/QĐ-TTg ngày 6/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Đặc biệt cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc xây dựng kế hoạch, phương án, phân định rõ phạm vi trách nhiệm quản lý và địa bàn hoạt động, các biện pháp quản lý theo ngành, lĩnh vực nhằm kịp thời phát hiện, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, đối tượng cầm đầu, chủ mưu.
Phó Thủ tướng yêu cầu mở đợt cao điểm về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả từ nay đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, trong đó tập trung một số mặt hàng trọng điểm như: rượu, bia, thuốc lá và các mặt hàng cấm như: pháo nổ, ma túy và tiền giả; báo cáo Phó Thủ tướng - Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia trong tháng 12/2016./.