Mua bán - sáp nhập doanh nghiệp: Những trở ngại cần tháo gỡ

VOV.VN - Khó khăn trong việc mua bán - sáp nhập doanh nghiệp đó là tính minh bạch giữa các thông tin.

Trong những năm gần đây, hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) nổi lên như 1 kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần đa dạng hóa các kênh thu hút vốn của nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế.

Dẫn đầu các thương vụ sáp nhập doanh nghiệp là ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng

Không chỉ xác lập kỷ lục về giá trị, năm 2015 và nửa đầu năm nay, trên thị trường đã xuất hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp trị giá lên tới cả tỷ USD và là những thương vụ có tác động lớn đến nhiều ngành, nhiều thị trường và nền kinh tế nói chung. Song, cũng chính thị trường này đang đòi hỏi phải sớm hóa giải những vấn đề phát sinh để có thể tăng tốc ấn tượng hơn.

Năm 2015, quy mô giá trị thị trường mua bán – sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam đã trở lại mốc kỷ lục 5,2 tỷ USD từng thiết lập trong năm 2012. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, giá trị các thương vụ mua bán – sáp nhập doanh nghiệp ước tính đã vượt mốc 3 tỷ USD, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm trước.

Dẫn đầu các thương vụ là ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng, chiếm tới 38,46% tổng giá trị thương vụ mua bán – sáp nhập doanh nghiệp. Đặc biệt, chỉ riêng thương vụ Central Group mua lại Big C và Tập đoàn Singha Asia trở thành nhà đầu tư chiến lược của Tập đoàn Masan đã chiếm 24,8% giá trị mua bán- sáp nhập doanh nghiệp năm 2015 và nửa đầu năm nay.

Với đà tăng tốc này, các chuyên gia dự báo trong năm nay, giá trị các thương vụ mua bán – sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam có thể xác lập một mốc mới - 6 tỷ USD.

Mua bán – sáp nhập doanh nghiệp sẽ tạo ra giá trị tăng thêm (giá trị cộng hưởng) nhờ giảm chi phí, mở rộng thị phần, tăng doanh thu hoặc tạo ra cơ hội tăng trưởng mới. Giá trị cộng hưởng có được từ mỗi thương vụ sẽ giúp cho hoạt động kinh doanh hiệu quả và giá trị doanh nghiệp được nâng cao.

Theo ông Nguyễn Quang Huy, đại diện Công Ty Cổ phần Thương mại và Chuyển Phát Nhanh Nội Bài (Netco), với những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký trong thời gian qua sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, để thực hiện được những hợp tác này không phải là điều đơn giản bởi khó khăn nhất của doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường M&A đó là tính minh bạch giữa các thông tin.

Là công ty có nhiều kinh nghiệm tư vấn các thương vụ mua bán – sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam, ông Đặng Dương Anh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Luật Quốc tế Việt Nam (Vilaf Hồng Đức) cũng nêu ra những khó khăn chung của các nhà đầu tư khi tham gia các thương vụ, đó là thiếu thông tin công khai của công ty mục tiêu; thiếu tính chính xác từ thông tin nội bộ của công ty mục tiêu. Bên cạnh đó, khung pháp lý điều tiết hoạt động mua bán – sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam chưa hoàn thiện cũng là một trong những trở ngại lớn.

Để đảm bảo cho thị trường mua bán – sáp nhập doanh nghiệp phát triển thuận lợi và hạn chế được những tác động tiêu cực, bất lợi từ các thương vụ này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, ngoài việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, việc đưa ra các cam kết là chưa đủ, mà khả năng thực thi cam kết mới là nhân tố tác động tích cực đến dòng vốn này. Đây cũng là cầu nối giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo tiền đề cho những thương vụ mới.

Năm 2016 và những năm tiếp theo, thị trường Việt Nam hứa hẹn sẽ có thêm nhiều thương vụ mua bán – sáp nhập doanh nghiệp đình đám khác. Với xu thế hòa nhập với nền kinh tế thế giới, dòng vốn đầu tư gián tiếp của nước ngoài vào Việt Nam chắn chắc sẽ gia tăng nhanh thông qua con đường M&A.

Các chuyên gia nhấn mạnh, việc xóa bỏ các rào cản để thúc đẩy thị trường mua bán – sáp nhập doanh nghiệp phát triển lành mạnh, trở thành một kênh huy động vốn hữu hiệu và yếu tố thúc đẩy tái cấu trúc hiệu quả nền kinh tế, tái cấu trúc doanh nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần xây dựng một khung pháp lý an toàn để vừa có thể thu hút được nhà đầu tư nước ngoài vừa có thể bảo vệ được quyền lợi của nhà đầu tư trong nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mua bán – sáp nhập doanh nghiệp trong không gian kinh tế mở
Mua bán – sáp nhập doanh nghiệp trong không gian kinh tế mở

VOV.VN - Diễn đàn Mua bán – Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2016 (Diễn đàn M&A Việt Nam 2016) sẽ được tổ chức vào ngày 18/8 tại TP HCM.

Mua bán – sáp nhập doanh nghiệp trong không gian kinh tế mở

Mua bán – sáp nhập doanh nghiệp trong không gian kinh tế mở

VOV.VN - Diễn đàn Mua bán – Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2016 (Diễn đàn M&A Việt Nam 2016) sẽ được tổ chức vào ngày 18/8 tại TP HCM.

Cuộc đua mua bán và sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam
Cuộc đua mua bán và sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam

VOV.VN - Việc Việt Nam là thành viên của AEC đã tạo đà cho một cuộc đua mới trong hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A).

Cuộc đua mua bán và sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam

Cuộc đua mua bán và sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam

VOV.VN - Việc Việt Nam là thành viên của AEC đã tạo đà cho một cuộc đua mới trong hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A).