“Người dân không chấp nhận hủy, hoãn chuyến bay xảy ra liên tục”
VOV.VN - Bộ Giao thông Vận tải cần xử lý những hãng hàng không quản trị không tốt dẫn đến việc hủy, hoãn chuyến bay gia tăng gây ảnh hưởng dây chuyền.
Tình trạng hủy, hoãn nhiều chuyến bay trong thời gian qua của các hãng hàng không khiến khách hàng không hài lòng và hiệu quả kinh doanh chưa cao. Đó là những vấn đề được đặt trong buổi làm việc ngày 16/8 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, trưởng đoàn Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu 3 Tổng công ty thuộc ngành hàng không giải trình, làm rõ 6 vấn đề mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ.
Trong đó, các vấn đề trọng tâm được Thủ tướng đặt ra với 3 Tổng Công ty đó là tình trạng chậm, hủy các chuyến bay diễn ra liên tục thời gian qua là vì sao? Các giải pháp giải quyết bài toán sức ép về hạ tầng giao thông hàng không? Công tác đảm bảo an ninh, an toàn bay.
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với 3 Tổng Công ty hàng không. |
Các Tổng Công ty cần có giải pháp không để tái diễn tình huống bị tấn công mạng dẫn tới đình trệ các chuyến bay, tuy các vụ việc vừa qua chưa để xảy ra hậu quả lớn. Mục tiêu tăng trưởng ngành dịch vụ của cả nước là 7,19%, trong đó mục tiêu khách du lịch tăng ít nhất 30%, đón trên 13 triệu khách quốc tế. Đây cũng là cơ hội cho ngành hàng không phát triển cùng với nhu cầu tăng trưởng rất mạnh nhờ lượng hành khách nội địa.
Ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng không Việt Nam cho biết, việc quản trị được Tổng Công ty chú trọng để tăng hiệu quả, năng suất và tính cạnh tranh.
“Tất cả bộ phận trong toàn hệ thống đều vận hành theo cơ chế hợp tác. Thời gian qua, Tổng Công ty Hàng không đã đưa giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin để giảm ách tắc ở sân bay. Đầu năm 2016, tỷ lệ khách tự làm thủ tục bằng web, điện thoại có 10%, đến hè năm nay đã đẩy lên 35%, làm giảm hẳn 1/3 áp lực lên các quầy, hệ thống, giảm ùn tắc thông quan sân bay tạo ra sự thuận tiện”, ông Minh báo cáo.
Về việc tăng tỉ lệ hủy, hoãn các chuyến bay của các hãng hàng không trong thời gian qua, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam cho rằng, tất cả cảng hàng không, các hãng hàng không đều khai thác như nhau, thế nhưng tỉ lệ hủy, hoãn chuyến bay giữa các hãng hàng không lại chênh lệch rất lớn.
“Vietnam Airlines chiếm tỷ lệ 10-11% chậm chuyến, trong khi các hãng khác thì từ 30-40%. Theo thống kê cho thấy có 67% tỉ lệ chậm, hủy chuyến do nguyên nhân tàu bay về chậm và hãng hàng không phải chịu trách nhiệm chính về việc này”, ông Thanh cho biết.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam trong những tháng đầu năm doanh thu tăng gần 10% nhưng lợi nhuận sau thuế không tăng tương ứng.
Với nguồn lực tích tụ được là rất lớn, là một ngành kinh tế mũi nhọn của Quốc gia nhưng mức độ tăng trưởng chưa thực sự tương xứng. Bên cạnh đó, cần lưu ý vấn đề chủ trương xã hội hóa hạ tầng hàng không. Ngay cả đường băng sân bay cũng cần mạnh dạn có cơ chế cùng khai thác, nếu bảo đảm an ninh, an toàn, lợi ích nhà đầu tư và nhà nước.
Vietnam Airlines không khai thác 8 chuyến bay do bão số 4
“Hàng không cần phải xử lý tất cả những sự cố như vậy, đừng vì lỗi chủ quan mà chuyến bay chậm, đừng để chuyến bay hoãn do không có tàu, đó là lỗi do hãng hàng không. Nếu nói là VietJet chậm 30-40% ảnh hưởng đến tần suất của Vietnam Airlines, tại sao Bộ Giao thông Vận tải không xử lý?”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ rõ./.