Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn có thể bị chậm tiến độ
Kế hoạch dự kiến chạy thử Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn vào tháng 11/2016 nhiều khả năng bị chậm lại 4 tháng.
Báo cáo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết một số hạng mục xây dựng nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) đang chậm tiến độ, có thể kéo tiến độ chung của nhà máy chậm khoảng 4 tháng.
Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn có thể bị chậm tiến độ |
Theo kế hoạch dự kiến trước đó, nhà máy sẽ hoàn thành phần cơ khí để chạy thử vào tháng 11/2016, đến tháng 7/2017 sẽ bắt đầu đưa vào vận hành thương mại.
Trước đó vào trung tuần tháng 4, hãng tin KUNA (Kuwait) dẫn lời Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait (KPI), một trong bốn nhà đầu tư của dự án này, cho biết nhà máy này đã hoàn thành 80% tiến độ xây dựng.
Về vần đề tiêu thụ sản phẩm, tại buổi làm việc với các bộ ngành vào ngày 21/6, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Công Thương, các bộ, ngành làm việc với các doanh nghiệp đầu mối để có kế hoạch phân phối các sản phẩm của nhà máy lọc dầu trong nước, bảo đảm tiêu thụ những sản phẩm mà các nhà máy trong nước sản xuất, chế biến.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý rằng, khi lên phương án tiêu thụ sản phẩm dầu khí trong nước phải bảo đảm hài hoà được lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng còn yêu cầu xác định rõ tổng mức hỗ trợ, ưu đãi đối với Nhà máy theo từng năm, từng kịch bản giá dầu, nhằm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, bảo đảm hiệu quả dự án.
Khởi công xây dựng năm 2013 tại khu kinh tế Nghi Sơn thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá, nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn được xác định là công trình trọng điểm của ngành dầu khí, huy động các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư.
Chủ đầu tư nhà máy là Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn (NSRP), trong đó PVN góp 25,1% vốn, Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait và Công ty Idemisui Kosan Nhật Bản góp cùng tỷ lệ 35,1%, còn Công ty Hoá chất Mitsui Nhật Bản 4,7%.
Sản phẩm của nhà máy gồm khí hoá lỏng LPG, xăng, diesel, dầu hoả/nhiên liệu máy bay... chủ yếu sử dụng cho thị trường trong nước.
Theo NSRP, tổng công suất nhà máy khi đưa vào hoạt động ước tính khoảng 200.000 thùng dầu/ngày, tương đương khoảng 10 triệu tấn dầu thô/năm. Nguồn nguyên liệu đầu vào sẽ đến từ Kuwait. Một khi hoàn tất, dự án này sẽ nâng tổng công suất lọc dầu của Việt Nam lên 340.000 thùng/ngày.
Năm ngoái, Tổng Giám đốc của NSRP kiêm đại diện của Idemitsu là ông Kazutoshi Shimmura đã trả lời với Nikkei rằng các cổ đông còn đang có ý định tăng gấp đôi công suất dự án lên 400.000 thùng/ngày sau khi xem xét lại tiềm năng của thị trường Việt Nam.
Hiện công suất nhà máy lọc dầu Dung Quất mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu tiêu thụ tại Việt Nam./.