Nông nghiệp công nghệ cao vì sao chưa hấp dẫn?
VOV.VN - Vẫn còn một số trở ngại trong quá trình thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao như nguồn nhân lực, thị trường và nguồn vốn.
Được xác định là trụ đỡ của nền kinh tế, khi nông nghiệp được đầu tư có trọng điểm, nền kinh tế sẽ được củng cố và phát triển bền vững. Chính vì vậy, Chính phủ ngày càng quan tâm hơn vào phát triển nông nghiệp, trong đó đáng chú ý là gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao trị giá 100.000 tỷ cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Điều này được kỳ vọng sẽ làm thay đổi diện mạo của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Thế nhưng thực tế thời gian qua, những rào cản, rủi ro về thiên tai, khí hậu, dịch bệnh, lợi nhuận thấp… đang khiến cho việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có phần bị hạn chế.
Người nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. (Ảnh minh họa: KT) |
Tại hội thảo về nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng nông nghiệp công nghệ cao, do Trung ương Hội Nông dân phối hợp Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia băn khoăn cho rằng, mặc dù Chính phủ đã có chủ trương hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao bằng gói tín dụng lớn, thế nhưng vấn đề nguồn nhân lực nào để vận hành nền nông nghiệp đó vẫn chưa được tính đến.
Một điểm đáng chú ý khác là vấn đề thị trường tiêu thụ, lâu nay người nông dân bị tồn ứ sản phẩm nông sản vì không có thông tin thị trường. Do vậy, hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao nhưng yếu tố thị trường cũng cần phải được đảm bảo.
Đại diện Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Viện trưởng Lê Thành cho rằng, nếu ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp mà chỉ xây 1 nhà máy trị giá tiền tỷ, rồi sau đó để nông dân “tự bơi” thì đầu tư vào công nghệ cao cho nông nghiệp sẽ rất uổng phí. Do đó, nếu thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ thì cần thiết phải chủ động đầu ra, chủ động thị trường cho sản phẩm nông sản.
Cũng theo nhận định của ông Thành, nông nghiệp công nghệ cao là một phương thức sản xuất, hoàn toàn không phải mô hình kinh tế nên phải gắn liền với chuỗi giá trị. Vì thế, khi đầu tư nông nghiệp công nghệ cao mà không có thị trường sẽ trở thành gánh nặng cho các ngân hàng, doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Ngoài những yếu tố về nhân lực, thị trường, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp khi được hỏi vẫn tiếp tục nêu ra những bất cập trong khó tiếp cận nguồn vốn. Doanh nghiệp hiện vẫn đang gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.
Cụ thể như doanh nghiệp chăn nuôi của ông Lê Văn Trường ở Vĩnh Phúc, từ cuối năm 2016 đến nay, giá lợn giảm sâu đã khiến doanh nghiệp thua lỗ đến 3 tỷ . đồng. Theo quy định, trang trại như của ông Trường được vay tối đa 1 tỷ đồng, nhưng khi ông muốn tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng để tái đàn chăn nuôi đã không gặp thuận lợi như kì vọng.
“Doanh nghiệp mong muốn được giảm lãi suất vay, giãn nợ nhưng đến nay cũng chưa nhận được hướng dẫn, hỗ trợ để tiếp cận nguồn vốn” ông Trường cho hay.
Để giải quyết những điểm nghẽn vẫn còn đang cản trở mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao hiện nay, ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ cho rằng, bản thân mỗi nhà đầu tư khi tham gia lĩnh vực này cần phải quyết định được thị trường. Trong chuỗi liên kết, người nông dân sẽ sản xuất và nhà đầu tư sẽ bao tiêu sản phẩm.
Doanh nghiệp khó tiếp cận gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao
Khẳng định sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là một vấn đề lớn, do đó nhiều chuyên gia cũng nhận định, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao không hẳn chỉ đơn giản là bài toán lỗ - lãi trong kinh doanh, quan trọng hơn đó là câu chuyện về tái cấu trúc nền nông nghiệp Việt Nam./.