Petrolimex thu lợi nhuận 260 tỷ đồng từ xăng dầu
VOV.VN - Đại diện tập đoàn này cho rằng lợi nhuận từ xăng dầu trong 6 tháng qua đã giảm 33% so với cùng kì năm 2013.
“6 tháng đầu năm 2014, mặc dù các chỉ tiêu lợi nhuận trước và sau thuế đều đạt thấp hơn kế hoạch (95%), nhưng doanh thu và nộp ngân sách vẫn tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ 6 tháng năm 2013. Trong đó, tổng doanh thu thuần của tập đoàn tăng 7% đạt 106.143 tỷ đồng, nộp Ngân sách Nhà nước tăng trưởng hơn 14%, với số thực nộp là 17.740 tỷ đồng”- Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết tại buổi họp báo công bố chính thức về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 chiều 14/8.
Ông Năm cũng chỉ rõ 3 yếu tố làm ảnh hưởng và tác động trực tiếp tới hoạt động của Petrolimex trong 6 tháng đầu năm 2014, đó là do các bất ổn địa chính trị tại châu Á, Trung Đông và Ukraine; Nhà máy lọc dầu Dung Quất ngừng sửa chữa gần 2 tháng làm ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu trong khu vực; Tình hình căng thẳng ở Biển Đông thời gian gần đây đã tác động không nhỏ đến nước ta, trong khi kinh tế vĩ mô vẫn chưa thực sự ổn định, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nhu cầu xăng dầu trong nước tiếp tục suy giảm.
Ngoài ra, ông Năm cũng cho biết, những tác động của việc điều chỉnh tăng tỷ giá của Ngân hành Nhà nước tăng thêm 1% từ ngày 19/6/2014 cũng có tác động không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp, gây phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá trong 6 tháng đầu năm.
“Với 30% lượng xăng dầu mua của Nhà máy lọc dầu Dung Quất được tính theo giá quốc tế, riêng lượng tồn lưu kho theo quy định dự trữ 30 ngày sau khi tăng tỷ giá đã làm Petrolimex bị ảnh hưởng hơn 140 tỷ đồng (tính theo số liệu kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm của tập đoàn này là 3,4 tỷ USD tương đương khoảng 600 triệu USD/tháng)”, ông Năm phân tích.
Nhà máy Đạm Cà Mau vận hành trở lại sau đợt bảo dưỡng. (Ảnh: Petrolimex)
Ông Trần Ngọc Năm cũng chỉ rõ, là một tập đoàn kinh doanh nhiều mặt hàng liên quan đến lĩnh vực xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu, cho nên trong số hơn 856 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế, chỉ có 260 tỷ đồng là từ kinh doanh xăng dầu, số còn lại từ kinh doanh các sản phẩm dầu mỡ nhờn, gas, vận tải và các dịch vụ khác.
Theo Tập đoàn Petrolimex, từ đầu tháng 8/2014, lĩnh vực kinh doanh xăng sinh học E5 theo Nghị định của Chính phủ cũng được Petrolimex triển khai quyết liệt trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Đến ngày18/8, Petrolimex Quảng Ngãi sẽ triển khai đồng loạt trên tất cả các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của mình trên địa bàn tỉnh này (trừ một số cửa hàng chưa đủ điều kiện do vị trí địa lý của cửa hàng nằm ở gần khu vực ngậm nước). Nhìn chung sau 15 ngày triển khai trên địa bàn Quảng Ngãi, việc bán xăng E5 không gặp trở ngại gì, được người tiêu dùng chấp nhận.
Petrolimex dự kiến, 6 tỉnh còn lại phải thực hiện bắt buộc tiêu thụ xăng E5 kể từ cuối năm 2014 là Cần Thơ, TP HCM, Vũng Tàu, Đà Nẵng và Hà Nội cũng sẽ được Petrolimex triển khai đồng loạt ngay từ đầu tháng 12/2014.
Đối với việc đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp nhằm đạt mục tiêu kế hoạch đã đề ra trong năm 2014, đại diện Petrolimex đặc biệt nhấn mạnh sẽ đảm bảo đáp ứng được về nguồn cung và bình ổn thị trường trong mọi tình huống. Đồng thời thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó, thực hiện nghiêm việc tiết giảm chi phí hao hụt trong khâu nhập khẩu và điều động nội bộ đường biển.
Dự kiến năm 2014 Petrolimex sẽ đảm bảo chia cổ tức ở mức 8-10% (cao hơn mức 5% của năm 2012 nhưng thấp hơn mức 12% của năm 2013).
Về công tác điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới, Petrolimex cho biết, dự kiến Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP của Chính phủ (ngày 15/10/2009) sẽ sớm được ban hành. Đây là điều kiện để các đầu mối triển khai thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh xăng dầu và chắc chắn Nghị định này sẽ tác động mạnh đến hệ thống phân phối của các thương nhân đầu mối.
Liên quan đến việc giá xăng dầu vẫn tăng nhiều, giảm ít trong thời gian qua, ông Trần Ngọc Năm khẳng định, có 2 nguyên nhân cơ bản: Một là do biến động của giá xăng dầu thế giới mà Việt Nam đang phải phụ thuộc vào nguồn cung cũng như cách tính giá trên cơ sở giá thế giới. Thứ 2 là quan điểm cũng như cách thức sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu của cơ quan quản lý nhà nước tác động tới việc tăng bao nhiêu và tăng như thế nào.
“Việc giá xăng dầu Việt Nam cao hơn giá xăng dầu của một số nước và cụ thể là cao hơn Mỹ phụ thuộc vào cơ chế, chính sách của mỗi quốc gia, vào khả năng cân đối thu-chi và nguồn lực tài chính để nhà nước có thể can thiệp vào từng lĩnh vực như thế nào. Điều này cũng đã được lãnh đạo Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng liên quan trả lời tại các cuộc họp trong thời gian gần đây”, ông Năm cho biết.
Ông Trần Ngọc Năm cũng cho biết rất khó dự báo tình hình biến động giá xăng dầu trong thời gian tới. Petrolimex và các cơ quan quản lý nhà nước cũng rất muốn dự đoán chính xác biến động giá xăng dầu thế giới để chủ động trong điều hành. Tuy nhiên, ngay cả các nhận định của nhiều chuyên gia trong thời gian qua cũng có sự chênh lệch khá xa so với thực tế./.