Rà soát điều kiện kinh doanh: Nỗ lực cởi trói cho doanh nghiệp
Khoảng 3500 điều kiện kinh doanh ban hành chưa đúng thẩm quyền có thể được loại bỏ ra khỏi nền kinh tế.
Phiên họp chuyên đề của Chính phủ lấy ý kiến đóng góp thông qua các dự thảo nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh vừa diễn ra sáng nay 23/6.
Phiên họp chuyên đề của Chính phủ |
Trước đó, ngày 22/6 Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành về tình hình, tiến độ và kết quả xây dựng các Nghị định quy định thi hành Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Doanh nghiệp sửa đổi.
Trên cơ sở chuẩn bị của các bộ, hiện nay đã có 51 nghị định hướng dẫn thi hành chi tiết 2 Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Trong đó, Bộ Tư pháp đã thẩm định 49 Nghị định.
Chủ trì cuộc họp ngày hôm qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, nghị định ban hành ra phải đi vào thực tiễn cuộc sống với tinh thần là cởi trói, tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp để đầu tư phát triển, bỏ giấy phép con.
Những quy định nếu thấy không phải là những điều kiện kinh doanh thì đều phải gạt bỏ trước khi trình Thủ tướng ký ban hành.
“Chúng ta bảo đảm về tiến độ nhưng cũng bảo đảm về chất lượng. Ranh giới giữa điều kiện kinh doanh với quy chuẩn kỹ thuật thì quan điểm là thà bỏ sót còn hơn đưa vào nghị định để trói buộc”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu quan điểm.
Trong khi đó, thông tin từ Bộ Tư pháp cho thấy tính đến ngày 3/6, Bộ Tư pháp đã nhận hồ sơ thẩm định của 48/49 nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh. Trong đó, có tới 23 nghị định quy định điều kiện đầu tư, kinh doanh nâng từ thông tư lên, 5 nghị định sửa đổi bổ sung nghị định hiện hành vừa nâng từ thông tư lên…
Bộ Tư pháp cho biết, trong quá trình thẩm định từng dự thảo nghị định, Bộ luôn đặt vấn đề về sự cần thiết của các quy định của điều kiện đầu tư kinh doanh theo đúng quy định của Điều 7 Luật Đầu tư năm 2014.
Đó là, không chỉ vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, mà còn phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư.
“Quan điểm của Bộ Tư pháp là “cắt gọt” các yêu cầu về điều kiện đầu tư kinh doanh, làm rõ ràng, cụ thể, minh bạch các yêu cầu sau “cắt gọt”…”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, những điều gì còn băn khoăn giữa tiền kiểm và hậu kiểm thì chuyển hết sang hậu kiểm. Nếu còn băn khoăn giữa điều kiện kinh doanh và tiêu chuẩn kỹ thuật thì chuyển sang tiêu chuẩn kỹ thuật tránh cản trở hoạt động của doanh nghiệp.
“Riêng quy chuẩn, quy phạm, Nhà nước cũng chỉ nên tham gia quy định một số, còn lại để xã hội, thị trường quy định, trước hết là các hiệp hội nghề nghiệp quy định và các doanh nghiệp tự công bố”, Chủ tịch VCCI nêu quan điểm.
Theo Thống kê của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), hiện có tới 7.000 giấy phép con đang “hành” doanh nghiệp. Theo Luật Đầu tư 2014, đến ngày 1/7, các điều kiện kinh doanh quy định ở cấp thông tư nếu không được đưa lên thành nghị định, đương nhiên sẽ bị loại bỏ.
Như vậy, khoảng 3.500 điều kiện kinh doanh ban hành chưa đúng thẩm quyền có thể được loại bỏ ra khỏi nền kinh tế./. "Điều kiện kinh doanh đang làm thui chột sáng tạo của doanh nghiệp!"