Tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp vật liệu xây dựng
VOV.VN - Bên cạnh những giải pháp từ phía cơ quan nhà nước, mỗi doanh nghiệp cần chủ động khai thác thế mạnh.
Sáng 24/7, tại Hà Nội, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam tổ chức hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh 6 tháng cuối năm 2013 của ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam.
6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn, lượng hàng tồn kho ở mức cao, doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, khai thác công suất thấp, thậm chí một số doanh nghiệp đã phải ngừng sản xuất. Sản phẩm trong nước còn phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu, đặc biệt là hàng nhập lậu không kiểm soát được.
Ngành xi măng chỉ khai thác được 70,5% công suất thiết kế, một số dây chuyền dừng hoạt động như xi măng Thanh Liêm, xi măng Áng Sơn 1, xi măng X77; Kính xây dựng hiện đang tồn kho khoảng 2 đến 2,5 tháng sản xuất, sản lượng chỉ đạt 50%; lượng hàng tồn kho của ngành thép hiện khoảng 300 nghìn tấn…
Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất với cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành từ này đến cuối năm. Trong đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để nhanh chóng tái cấu trúc ngành tài chính, tín dụng, ngân hàng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm tiếp cận được tín dụng với lãi suất thấp; tăng cường đầu tư công, khai thông thị trường bất động sản; kiểm soát chặt chẽ hàng nhập lậu và có giải pháp kích cầu thị trường vật liệu xây dựng trong nước.
Ông Trần Đức Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam kiến nghị: Chính phủ đã có chỉ thị tiếp tục vận động nhân dân ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Xuất phát từ điều này, Hiệp hội đề nghị các công trình xây dựng ở Việt Nam nên sử dụng vật liệu xây dựng Việt Nam, trước tiên ở các công trình xây dựng bằng vốn nhà nước, ví dụ như các công trình xã hội, trụ sở các cơ quan… cần có quy định không nhập vật liệu xây dựng từ nước ngoài.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, bên cạnh những giải pháp từ phía cơ quan nhà nước, mỗi doanh nghiệp cần chủ động khai thác thế mạnh, nỗ lực khắc phục khó khăn, thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh, sử dụng công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng và công nghệ xây dựng mới. Có như vậy mới khẳng định được thương hiệu và tăng sức cạnh tranh trong thời gian tới./.