Tiếp thị trực tuyến: Doanh nghiệp đã thực sự hiểu người tiêu dùng?
VOV.VN - Quảng cáo tiếp thị trực tuyến phát triển nhanh nhưng cần tính đến quy chuẩn chung để đưa doanh nghiệp đến gần hơn với người tiêu dùng.
Kết quả khảo sát của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) những năm gần đây cho thấy, doanh thu của thị trường quảng cáo trực tuyến đang có mức tăng trưởng mạnh. Bên cạnh các doanh nghiệp, đông đảo các thương nhân là những hộ kinh doanh và cá nhân đã biết khai thác lợi thế của bán hàng trực tuyến, góp phần đáng kể vào sự tăng trưởng của doanh số bán hàng.
Ngoài những hãng quảng cáo trực tuyến khổng lồ thống trị thị trường thế giới như Google hay Facebook, một số công ty quảng cáo nước ngoài ngày nay đã chú ý tới tiềm năng to lớn của thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam.
Người tiêu dùng trở nên khó khăn khi đứng trước nhiều sản phẩm quảng cáo tiếp thị trực tuyến. (Ảnh minh họa: KT) |
Mạng xã hội dẫn đầu
Tại Diễn đàn tiếp thị trực tuyến 2017 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức ngày 17/8, ông Nguyễn Thanh Hưng – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, từ năm 2016 thương mại điện tử tại Việt Nam bước phát triển vượt bậc, bất chấp một số trở ngại lớn, bao gồm lòng tin của người tiêu dùng còn thấp, các dịch vụ thanh toán, tiếp thị trực tuyến và dịch vụ chuyển phát chưa đáp ứng nhu cầu.
“Tiếp thị thương mại trực tuyến tại Việt Nam đang ngày càng phát triển. Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2016 cho thấy, mạng xã hội đã vượt qua công cụ tìm kiếm để trở thành phương tiện quảng cáo trực tuyến được doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất”, ông Hưng dẫn chứng.
Đánh giá rất lớn môi trường mạng xã hội trong việc thúc đẩy thị trường quảng cáo trực tuyến, ông Hưng khẳng định, đây không những là công cụ được sử dụng nhiều nhất mà còn được coi là kênh quảng cáo hiệu quả, với 46% doanh nghiệp cho biết quảng cáo trên mạng xã hội đạt hiệu quả cao trong khi tỷ lệ này với công cụ tìm kiếm chỉ chiếm đến 44%.
Chính vì vậy, theo ông Hưng, mục tiêu của Diễn đàn lần này sẽ là thúc đẩy thị trường tiếp thị trực tuyến nói riêng cũng như thương mại điện tử Việt Nam ngày một phát triển, đồng thời giúp các doanh nghiệp tiếp cận những xu thế mới của tiếp thị trực tuyến.
Không chỉ thành công thuộc về các doanh nghiệp, ở góc độ khách hàng tiếp cận đối với sản phẩm quảng cáo trực tuyến, khảo sát độc lập được tiến hành bởi VECOM đối với các khách hàng cá nhân mua sắm trực tuyến cũng cho thấy, đã có tới 67% khách hàng cá nhân chọn lựa website hay ứng dụng di động để mua sắm sau khi xem bình luận, đánh giá trên mạng, đặc biệt là các mạng xã hội.
Đáng chú ý, yếu tố tác động tới quyết định mua sắm trực tuyến vẫn dựa vào sự giới thiệu của bạn bè và người thân, trong khi các quảng cáo trên báo điện tử, báo giấy và tivi chỉ đứng thứ ba.
Tiếp thị quảng cáo trực tuyến thiếu quy chuẩn
Mặc dù thị trường tiếp thị trực tuyến được đánh giá là đang phát triển mạnh và giàu tiềm năng, nhưng theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy - đại diện Nielsen Việt Nam vẫn lưu ý đến mặt trái của việc tăng trưởng thị trường tiếp thị thị trực tuyến.
Bà Thủy cho rằng, việc quảng cáo tiếp thị trực tuyến tràn lan, không theo một quy chuẩn nào, giống như việc con người khi tham gia giao thông trên đường không có biển báo và cảnh sát giao thông, sẽ rất dễ dẫn đến những tác hại khó lường.
“Những người làm truyền thông cho quảng cáo, tiếp thị trực tuyến cũng đang không biết việc mình làm có hiệu quả hay không, bởi hình thức này đang không theo quy chuẩn nào dành cho quảng cáo. Đấy là chưa tính đến quảng cáo trực tuyến có đến được đúng đối tượng cần xem hay không?”, bà Thủy nêu vấn đề.
Tiếp thị trực tuyến: Doanh nghiệp Việt còn quá mơ hồ
“Bây giờ có quá nhiều người kinh doanh trên mạng, từ đôi dép cho đến ngôi nhà đều được rao bán trên mạng. Chính vì thế, trong xu hướng hiện nay, để phát triển thị trường tiếp thị trực tuyến, nhiều nước trên thế giới đang nghiên cứu sâu đến cảm xúc và niềm tin của khách hàng”, ông Hiếu thông tin.
Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của quảng cáo, tiếp thị trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ngày nay. Tuy nhiên, trong bước phát triển mạnh mẽ theo xu hướng, thị trường tiếp thị trực tuyến tại Việt Nam vẫn cần được định hướng và đi theo một tiêu chuẩn nhất định.
Khi đó, tiếp thị trực tuyến sẽ quan tâm hơn đến việc sản phẩm hàng hóa xuất hiện như thế nào, sở thích lựa chọn ra sao và quan trọng hơn hết là phải tạo được niềm tin cho người tiêu dùng chính từ hiệu quả của hình thức tiếp thị trực tuyến./.