Việt Nam thành điểm đến mới của du học sinh quốc tế
VOV.VN - Cả nước hiện có 70 cơ sở giáo dục đại học cung cấp 352 chương trình liên kết đào tạo quốc tế, với khoảng 20.000 sinh viên nước ngoài đang theo học.
Thay vì phải đến Mỹ, các du học sinh quốc tế có thể theo học chương trình đào tạo của đại học Ivy League danh tiếng hàng đầu thế giới ngay tại Việt Nam thông qua chương trình “Study Away” của Đại học VinUni. Đây không chỉ là một sáng kiến mang tính tình thế trong bối cảnh giáo dục đại học toàn cầu bị gián đoạn vì Covid-19, mà còn mở ra một trang mới trong đào tạo quốc tế tại Việt Nam.
Du học thời Covid: Trong nguy có cơ
Trần, sinh viên ngành Tâm lý học và Nghệ thuật phòng thu, Đại học bang California (Mỹ) đã bật khóc khi kể về tình cảnh của mình với phóng viên tờ New York Times. Cô cho biết chỉ còn đủ sinh hoạt phí cho 1,5 tháng nữa và có thể sẽ phải về nước nếu dịch bệnh kéo dài.
Trần đã mất cả 2 việc làm thêm ở trường, trong khi thu nhập của gia đình tại Việt Nam từ việc cho thuê căn hộ cũng sụt giảm đáng kể do không có khách du lịch. Để tiết kiệm tiền, Trần đã phải hạn chế mua thịt và ăn cơm nhiều hơn.
“Mẹ tôi nói nếu dịch bệnh không được kiểm soát trong 2 - 3 tháng tới thì tôi sẽ phải về nhà”, nữ du học sinh buồn bã nói.
Trần chỉ là một trong hàng trăm nghìn sinh viên nước ngoài đang rơi vào tình thế “đi không được, ở chẳng xong”, học hành dang dở khi xứ cờ hoa rơi vào tình trạng tồi tệ vì dịch bệnh.
Không riêng Mỹ, theo World Bank, Covid-19 đã buộc 128 quốc gia đóng cửa hoàn toàn trường học. Biến cố chưa từng có trong lịch sử này khiến hơn 1,1 tỷ học sinh, sinh viên toàn cầu bị ảnh hưởng, trong đó có lưu học sinh Việt Nam.
Còn theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện có khoảng 190.000 học sinh, sinh viên Việt Nam học tập ở nước ngoài, tập trung ở những quốc gia có nền giáo dục phát triển hàng đầu, trong đó, riêng tại khu vực Bắc Mỹ là 50.000.
Trước băn khoăn của hàng nghìn du học sinh không biết nên ở lại hay về nước, về thì học ở đâu và chưa biết khi nào mới có thể quay lại trường, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng sứ mệnh của các trường đại học trong nước là tạo điều kiện cho du học sinh trở về và được học ở môi trường tốt nhất.
“Đây cũng là cơ hội để các trường trong nước và quốc tế kết nối, đưa ra chương trình đào tạo phù hợp và chất lượng”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh trong Hội nghị “Thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam” tổ chức vào trung tuần tháng 7 vừa qua.
Về lâu dài, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng mở rộng đào tạo quốc tế là xu hướng nhưng không chỉ dừng lại ở việc gửi sinh viên ra nước ngoài mà còn phải tạo điều kiện cho học sinh Việt Nam có thể du học tại chỗ trong mối gắn kết với các trường uy tín trên thế giới, đồng thời phải khuyến khích được sinh viên nước ngoài đến Việt Nam.
“Đây là giải pháp không chỉ về mặt học thuật, kinh tế mà còn rất nhân văn trong bối cảnh dịch bệnh, đồng thời cũng là hướng đi đột phá nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bậc cao của Việt Nam”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.
Dấu mốc mới trong đào tạo quốc tế tại Việt Nam
Theo Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có 70 cơ sở giáo dục đại học cung cấp 352 chương trình liên kết đào tạo quốc tế. Ngoài ra, số lượng sinh viên nước ngoài đang theo học tại Việt Nam là 20.000 sinh viên. Con số này được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi Việt Nam khống chế thành công dịch bệnh, nhiều trường không những hoạt động bình thường mà còn sẵn sàng cho việc cung cấp các chương trình đào tạo chuẩn quốc tế dành cho sinh viên các nước.
Đặc biệt, với tinh thần hợp tác bình đẳng và hỗ trợ các đối tác trong khó khăn do dịch bệnh, một chương trình “du học” đặc biệt đã được trường Đại học VinUni (thuộc Tập đoàn Vingroup) phối hợp với Đại học Cornell (Mỹ) triển khai. Đây một chương trình “du học” được thiết kế để tiếp nhận các sinh viên quốc tế của Cornell đang bị mắc kẹt khi không thể quay trở lại Mỹ.
Là một trong 8 đại học thuộc nhóm Ivy League danh giá của Mỹ, xếp hạng 14 thế giới (theo QS Ranking 2020), Cornell hiện có 24.000 sinh viên, trong đó có khoảng 5.700 sinh viên quốc tế đến từ 115 quốc gia trên thế giới. Khi dịch bệnh tại Mỹ chưa biết đến khi nào mới được kiểm soát, các cơ sở giáo dục chưa biết đến khi nào mở cửa trở lại thì Việt Nam nổi lên như một điểm đến an toàn cho các sinh viên quốc tế của một trong những đại học lâu đời và uy tín nhất nước Mỹ.
Mặc dù VinUni là đối tác chiến lược của Cornell nhằm thực hiện mục tiêu trở thành đại học đẳng cấp thế giới, nhưng để được Cornell tin cậy chọn mặt gửi sinh viên quốc tế của mình, VinUni phải đáp ứng những yêu cầu vô cùng khắt khe.
Cornell đã thẩm định rất kỹ đề nghị hỗ trợ của VinUni khi nghiên cứu toàn diện đội ngũ giảng viên, chương trình học, cơ sở vật chất, môi trường sống, tìm hiểu cả dân cư khu Vinhomes Ocean Park bên cạnh khuôn viên trường… Thậm chí, Cornell còn cử cả một đoàn sinh viên trực tiếp đến thực địa để khảo sát trước khi ra quyết định.
“Cornell có nhiều đối tác trên toàn cầu nên VinUni không phải là sự lựa chọn duy nhất, nhưng chắc chắn là một trong các lựa chọn tốt nhất”, TS. Lê Mai Lan, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học VinUni, khẳng định.
“Study Away” của VinUni được thiết kế gồm 5 “trụ cột” là học tập, nghiên cứu, hoạt động, trải nghiệm và khám phá. Theo đó, với tiêu chí “học tập ảo, trải nghiệm thật”, các sinh viên quốc tế của Cornell được VinUni tiếp nhận vào học sẽ tiếp tục học chương trình của Cornell cùng với các giáo sư Cornell trên nền tảng trực tuyến, đồng thời, được tạo cơ hội theo học chương trình “Khám phá Việt Nam” tại VinUni, gồm các hoạt động phong phú về văn hóa, cơ hội kinh doanh, môi trường khởi nghiệp của Việt Nam.
“Với Cornell, VinUni là môi trường giáo dục với các tiêu chuẩn tương tự như tại Mỹ để họ có thể yên tâm gửi gắm sinh viên. Ngược lại, ‘Study Away’ sẽ góp phần tạo ra một môi trường đậm đặc nhân tài cho các sinh viên VinUni, để các em từng bước phát triển toàn diện thành các công dân toàn cầu”, GS. Rohit Verma, Hiệu trưởng Trường Đại học VinUni, chia sẻ.
Đánh giá cao sáng kiến của VinUni, nhiều chuyên gia và nhà quản lý giáo dục cho rằng, “Study Away” không chỉ là một giải pháp đột phá hỗ trợ cho sinh viên quốc tế trong bối cảnh dịch bệnh mà còn đánh dấu một mốc quan trọng trong việc hợp tác bình đẳng về trao đổi sinh viên và học thuật giữa các đại học Việt Nam và các đối tác hàng đầu thế giới, góp phần đưa thương hiệu Việt Nam lên bản đồ giáo dục đại học toàn cầu.
“Đây không chỉ là giải pháp tình thế trong tình hình Covid mà còn là hướng đi tốt cho hợp tác giáo dục quốc tế về lâu dài nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các trường đại học Mỹ và Việt Nam”, bà Pam S, DeVolder, Tham tán Thông tin - Văn hóa, Đại sứ quán Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam, đánh giá./.