Vốn đăng ký trong 6 tháng đầu năm dự kiến đạt 265.000 tỷ đồng

VOV.VN - Theo số liệu thống kê, số vốn đăng ký trong 6 tháng đầu năm 2015 dự kiến đạt 265.000 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

>> Hơn 19.000 doanh nghiệp thành lập mới trong quý I 

>> 6.867 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 

>> Hơn 28 ngàn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 

Phát biểu tại Diễn đàn Khởi nghiệp do VCCI và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức tại Hà Nội sáng nay (9/6), bà Trần Thị Hồng Minh, Cục Trưởng Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, Bộ KH&ĐT cho biết, từ đầu năm đến nay, số doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới là 44.000, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2014.

Theo bà Minh, số DN đăng ký thành lập tăng là do các cơ quan quản lý nhà nước thời gian qua đã tập trung triển khai sâu rộng các cải cách pháp lý cũng như kỹ thuật nhằm đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường cho DN, góp phần đẩy mạnh lưu thông nguồn vốn xã hội đưa vào sản xuất-kinh doanh.

Cục Trưởng Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh nhấn mạnh, để những cải cách chính sách có tác động thực sự đến DN, bên cạnh các công cụ pháp lý, điều quan trọng hơn cả chính là ý thức và sự chủ động của doanh nghiệp trong việc tiếp cận chính sách, biến chính sách thành công cụ hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh của DN.

“Với niềm tin vào ý chí khởi nghiệp và bản lĩnh kinh doanh của DN Việt, tôi tin rằng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức để phát triển mạnh mẽ ở hiện tại và trong tương lai,” bà Minh nói.

Bà Trần Thị Hồng Minh - Cục Trưởng Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh -Bộ KH&ĐT

Đề cập đến thủ tục đăng ký kinh doanh và các chính sách hỗ trợ DN trước và sau khởi sự, bà Minh cho biết, tháng 11/2014, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã được thông qua với tỷ lệ nhất trí cao tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội XIII. Đây là hai Văn bản Luật được đánh giá là đi đầu về cải cách hành chính cho DN và nhà đầu tư.

Bà Minh lưu ý đến 7 điểm mới trong quy định pháp lý liên quan đến đăng ký doanh nghiệp. Thứ nhất, chuyển từ nguyên tắc DN được kinh doanh trong phạm vi những gì pháp luật cho phép sang nguyên tắc tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm. Thứ hai, khẳng định Giấy chứng nhận đăng ký DN là giấy chứng nhận sự ra đời của DN. Thứ ba, thay đổi phương thức quản lý con dấu: DN được tự quyết định về quản lý, sử dụng con dấu, tự quyết định về nội dung, hình thức và số lượng con dấu. 

Thứ tư, tạo cơ sở pháp lý để kết hợp thủ tục đăng ký thành lập DN với các thủ tục về đăng ký lao động và đăng ký bảo hiểm xã hội nhằm đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường của DN. Thứ năm, mở rộng các đối tượng được quyền hợp nhất, chia, tách, sáp nhập công ty, tạo điều kiện cho DN linh hoạt hơn trong tái cơ cấu hoạt động kinh doanh. Thứ sáu, phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý DN. Thứ bảy, thay đổi về tư duy giải thể DN, quy định rõ hơn và hợp lý hơn về trình tự, thủ tục giải thể DN, quy định quy trình đơn giản để những DN yếu kém, không còn đủ sức tồn tại rút lui khỏi thị trường./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên