Doanh thu bình quân một hợp tác xã là 4,477 tỷ đồng/năm
VOV.VN - Tính đến 31/12/2018, cả nước có 22.861 hợp tác xã (HTX), với doanh thu bình quân một HTX là 4,477 tỷ đồng/năm, lãi 240 triệu đồng/năm.
Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể cho thấy, tính đến 31/12/2018, cả nước có 22.861 hợp tác xã (HTX), thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia. Doanh thu bình quân một HTX là 4,477 tỷ đồng/năm tăng 1,905 tỷ đồng/năm, lãi bình quân của một là HTX 240 triệu đồng/năm.
Phát biểu tại buổi họp báo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tổ chức ngày 9/10, Thứ trưởng Bộ KHĐT Võ Thành Thống đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của kinh tế tập thể (KTTT), nòng cốt là HTX trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ông Võ Thành Thống (bên trái) - Thứ trưởng Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư - phát biểu tại buổi họp báo ngày 9/10, tại Hà Nội. |
Số lượng HTX tăng theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền, chất lượng hoạt động được nâng lên. Các HTX từng bước hoạt động đúng bản chất, ngày càng tập trung hơn vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ hoặc việc làm cho thành viên, nhất là HTX nông nghiệp, ông Thống nêu rõ.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ KHĐT cho rằng, trong thời gian qua, các HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều HTX, liên hiệp HTX vẫn ở trong tình trạng khó khăn, năng lực nội tại của các HTX còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu; năng lực, trình độ cán bộ quản lý trong khu vực HTX còn hạn chế, khó đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường.
Một số HTX thực hiện đăng ký lại còn hình thức, phương thức hoạt động không thay đổi, hoạt động sản xuất kinh doanh còn thụ động, chưa đáp ứng được các quy định của Luật HTX năm 2012, ông Thống cho hay.
Theo Cục trưởng Cục Phát triển Hợp tác xã (Bộ KHĐT) Nguyễn Văn Đoàn, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng số lượng HTX thành lập mới không ngừng tăng lên. Doanh thu và thu nhập của người lao động trong KTTT được cải thiện, trình độ cán bộ quản lý được nâng cao rõ rệt, KTTT từng bước hoạt động ổn định, lành mạnh, phát triển cả về quy mô, công nghệ, thị trường… qua đó, tác động tích cực đến kinh tế hộ thành viên, góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo...
Mô hình của HTX Chăn nuôi và Kinh doanh gà Đông tảo đang triển khai rất hiệu quả tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. |
Những năm gần đây, sau khi Luật HTX 2012 có hiệu lực, hoạt động của HTX đi vào thực chất hơn. Đặc biệt, số lượng HTX sản xuất theo chuỗi giá trị ngày càng gia tăng, đang dần trở thành phương thức sản xuất phổ biến để phát triển bền vững. Trong năm 2018, cả nước có gần 1.200 HTX tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều HTX liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh. Một số HTX đã chủ động nghiên cứu, mở rộng thị trường, không những trong nước mà còn xuất khẩu..., ông Nguyễn Văn Đoàn cho biết.
Theo ông Đoàn, để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, cần tăng cường khuyến khích phát triển KTTT trên tất cả các ngành nghề của nền kinh tế dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể; liên kết rộng rãi các hộ nông dân, người lao động, các hộ sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không giới hạn quy mô, lĩnh vực và địa bàn để bảo đảm lợi ích của thành viên; hỗ trợ, xây dựng các mô hình KTTT kiểu mới gắn chặt với cách mạng công nghiệp 4.0…/.