Nhận diện lâm trường quốc doanh và mâu thuẫn đất đai

Đổi mới lâm trường quốc doanh: “Bình mới rượu cũ”?

VOV.VN -Sau 10 năm đổi mới hiệu quả quản lý đất và rừng vẫn còn rất thấp, tài nguyên đất và rừng tiếp tục bị suy giảm nghiêm trọng.

Nhận diện lâm trường quốc doanh

Thuật ngữ “lâm trường quốc doanh” đối với hầu hết người dân Việt Nam đều không mấy xa lạ. Nó càng quen thuộc hơn đối với người dân sống ở vùng núi, nơi có sự hiện diện của các lâm trường. Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng cụm từ “lâm trường quốc doanh” và mâu thuẫn đất đai giữa lâm với người dân địa phương được nhắc đến nhiều lần.
Vậy “lâm trường quốc doanh” được tổ chức như thế nào? Có vai trò và nhiệm vụ ra sao? Quá trình đổi mới sắp xếp đạt được những kết quả gì? Vì sao tranh chấp đất đai giữa lâm trường và người dân địa phương lại được nói đến nhiều như vậy?
Loạt bài “Nhận diện lâm trường quốc doanh và mâu thuẫn đất đai” sẽ giải đáp những câu hỏi này.

Năm 1956 Chính phủ thành lập Sở Quốc doanh Lâm khẩn trực thuộc Bộ Nông Lâm. Đến năm 1960, các chi nhánh quốc doanh lâm khẩn được chuyển đổi với tên gọi lâm trường quốc doanh (LTQD). Khi đó các LTQD được giao quản lý hầu hết diện tích rừng của cả nước với nhiệm là: thực hiện chức năng quản lý và bảo vệ rừng, khai thác lâm sản phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Việc tập trung vào khai thác gỗ và không quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ và làm giàu rừng đã làm cho nguồn tài nguyên rừng bị suy giảm nghiêm trọng. Giai đoạn cao điểm 1976-1980, lượng gỗ khai thác cả nước đạt 1,7 triệu m3/năm. Giai đoan sau đó 1981-1985, hàng năm lượng gỗ mất đi khoảng 1,3-1,4 triệu m3.

Vào năm 1986, đã có khoảng 200 LTQD tại 20 tỉnh trên tổng số trên 400 LTQD đã không còn nguồn tài nguyên rừng để khai thác gỗ. Lượng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên giảm từ khoảng 1 triệu m3/năm kể từ trước năm 1990 xuống còn 300.000 m3 bắt đầu từ những năm 2000.

Để khắc phục tình trạng này, kể từ đây, ngành lâm nghiệp đã chuyển trọng tâm từ khai thác tài nguyên sang xây dựng vốn rừng và sản xuất lâm sản.

Vì sao phải đổi mới?
Có thể nói ở giai đoạn đầu với nhiệm vụ trọng tâm là khai thác gỗ phục vụ kế hoạch phục hồi kinh tế đất nước sau chiến tranh, các LTQD đã thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, càng về sau, tài nguyên rừng càng suy giảm, mô hình quản lý LTQD càng bộc lộ những điểm bất cập, quản lý nhà nước đối với rừng và đất rừng thông qua hệ thống LTQD tỏ ra yếu kém làm nảy sinh nhiều vấn đề gây bức xúc.

Chuyển sang kinh tế thị trường, mô hình LTQD càng không còn phù hợp. Điều này đặt LTQD trước bối cảnh phải thay đổi nhanh chóng. Chính vì vậy vào những năm 1991, 1995, 1999, các LTQD đã trải qua 3 lần đổi mới.

Tuy nhiên, những vấn đề căn bản như hiệu quả sử dụng đất đai của lâm trường thấp, diện tích đất chưa sử dụng còn nhiều; quản lý đất đai và tài nguyên rừng vẫn yếu kém; tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai giữa nông lâm trường và các hộ dân còn xảy ra ở nhiều nơi…vẫn không được khắc phục. Vì vậy, ngày 16/06/2003, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 28 – NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới sắp xếp nông lâm trường quốc doanh”.

Quan điểm chỉ đạo và mục tiêu chủ yếu của NQ 28 nhằm nâng cao hiệu quả, sử dụng bền vững tài nguyên đất đai và tài nguyên rừng, đổi mới cơ chế quản lý nông lâm trường quốc doanh, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội địa phương, tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập cho người lao động và xóa đói giảm nghèo.

Nghị quyết 28 cũng nhấn mạnh việc đảm bảo đất ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, khắc phục nhanh tình trạng thiếu đất ở và đất sản xuất của người dân. Thực hiện chỉ đạo của NQ 28, Chính phủ ban hành Nghị định 200/2004/NĐ –CP.
Trụ sở làm việc "khiêm tốn" của Công ty TNHHMTV lâm nghiệp Gia Nghĩa (Đắc Nông)-đơn vị đang quản lý và sử dụng hơn 21.000 ha đất rừng

Sau 10 đổi mới ngoài việc số lượng các LTQD từ 256 giảm xuống 148 công ty, diện tích đất và rừng được phép quản lý giảm từ hơn 4 triệu ha xuống còn hơn 2 triệu, LTQD đổi tên thành công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp.

Công tác thu hồi đất để giao cho người dân địa phương thiếu đất chưa đạt được kết quả mong muốn. Để thực hiện công tác này theo tinh thần của NQ 28, Chính phủ đã ban hành quyết định 134/2004/QĐ –TTg ngày 20/7/2004 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn và Quyết định 146/2005/QĐ –TTg ngày 15/6/2006 về chính sách thu hồi đất của nông lâm trường để giao lại cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.

Tuy nhiên, ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn và Phát triển cho rằng, đến nay, người dân địa phương mà đa số là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn trong tình trạng thiếu đất sản xuất. Theo báo cáo thì đã có 700 nghìn ha được các lâm trường trả lại cho chính quyền địa phương nhưng trên thực địa chỉ khoảng 400 đến 500 nghìn ha. Hơn nữa, phần lớn quỹ đất rà soát, thu hồi từ lâm trường vẫn chưa được giao lại cho người dân. Nguyên nhân được cho là chất lượng đất xấu, xa nơi sinh sống nên người dân không nhận. Mặt khác, chính quyền địa phương chưa bố trí được kinh phí để thực hiện công tác giao đất, giao rừng.

"Con số 700 nghìn héc-ta là tương đối ấn tượng nhưng nó vẫn nằm trên giấy". Ông Tú cho rằng,  quá trình trả lại đất do các lâm trường tự trả lại mà không có sự đánh giá của các cơ quan quản lý nên rất nhiều diện tích do lâm trường trả lại là khó sản xuất, đất đai cằn cỗi, xa nơi dân cư, không có điều kiện giao thông. "Chính bản thân các lâm trường cũng không thể canh tác trên đất ấy nên mới giao lại cho chính quyền địa phương. Vì vậy khi chính quyền địa phương giao, người dân cũng không nhận", ông Tú mỉa mai.

Chỉ là bình mới rượu cũ?
Sau 10 năm đổi mới hiệu quả quản lý đất và rừng vẫn còn rất thấp, tài nguyên đất và rừng tiếp tục bị suy giảm nghiêm trọng. Theo báo cáo của Bộ NN và PTNT chỉ có hơn 7.600 ha đất tranh chấp. Tuy nhiên, ông Tô Xuân Phúc, đại diện của tổ chức Foress Trens cho biết, con này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Trên thực tế, diện tích tranh chấp, lấn chiếm thuộc diện lâm trường với người dân địa phương lớn hơn rất nhiều. Xu hướng này ngày càng phức tạp và có nguy cơ bùng phát ở nhiều địa phương. "Mâu thuẫn đất đai đang có tác động tiêu cực cả về môi trường lẫn kinh tế xã hội", ông Phúc cảnh báo.

Sau chuyển đổi, điều kiện sản xuất kinh doanh của các lâm trường gặp khó khăn, thu không đủ chi. Chuyển sang công ty kinh doanh hoạt động theo luật doanh nghiệp nhưng có rất ít trong số 148 công ty lâm nghiệp duy trì được khả năng kinh doanh. Các công ty lâm nghiệp cũng chưa đủ khả năng đảm bảo cuộc sống cho người lao động. Không có tiền để trả lương cho người lao động và  giải quyết chế độ cho nhân viên đã giảm biên chế là tình trạng phổ biến ở nhiều công ty lâm nghiệp. 

 Ông Đặng Hùng Võ: Đổi mới LTQD chỉ là "bình mới rượu cũ"

Theo giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, NQ 28 của Bộ Chính trị kỳ vọng lâm trường phải giữ được vai trò nòng cốt đối với kinh tế xã hội của địa phương. Lâm trường phải kết nối được chuỗi sản xuất kinh doanh, từ sử dụng đất đến tiếp cận thị trường, thu hút người dân địa phương tham gia chuyên canh tạo vùng nguyên liệu và là chỗ dựa về đầu ra cho sản phẩm.

"Điều mà chúng ta kỳ vọng ở các công ty lâm nghiệp nhà nước là tính dẫn đầu về công nghệ, khoa học, canh tác thì hiện nay các lâm trường của chúng ta chưa làm được điều này. Các công ty lâm nghiệp vẫn tự cho mình là các dạng chủ đất mà chưa chú trọng sản xuất kinh doanh", ông Võ nhấn mạnh.

Có thể nói rằng, sau 10 năm chuyển đổi từ mô hình LTQD sang công ty TNHH MTV lâm nghiệp, thực chất chỉ là đổi tên. Từ cơ cấu tổ chức, hoạt động đều không có gì thay đổi. Lâm trường hay công ty TNHH MTV lâm nghiệp chỉ là “bình mới rượu cũ” mà thôi./.

Sau 10 năm đổi mới, đa số các lâm trường không những chưa khắc phục được những tồn tại, yếu kém của mình. mà nhiều lâm trường còn có những sai phạm nghiêm trọng trong thực hiện khoán trồng rừng. Để hiểu rõ hơn nội dung này, mời quý vị theo dõi tiếp bài 2: “Giao đất kiểu phát canh thu tô”. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giải tỏa hàng nghìn ha đất rừng bị xâm chiếm trái phép
Giải tỏa hàng nghìn ha đất rừng bị xâm chiếm trái phép

Cưỡng chế, giải tỏa 1200 ha đất rừng bị người dân xâm chiếm trái phép tại xã Đắc Ngo, huyện Tuy Đức.  

Giải tỏa hàng nghìn ha đất rừng bị xâm chiếm trái phép

Giải tỏa hàng nghìn ha đất rừng bị xâm chiếm trái phép

Cưỡng chế, giải tỏa 1200 ha đất rừng bị người dân xâm chiếm trái phép tại xã Đắc Ngo, huyện Tuy Đức.  

Chuyển đổi nông lâm trường quốc doanh: Đất rừng phải có chủ!
Chuyển đổi nông lâm trường quốc doanh: Đất rừng phải có chủ!

(VOV) - Nhiều địa phương và nông, lâm trường vẫn đang lúng túng chuyển đổi mô hình hoạt động phù hợp.

Chuyển đổi nông lâm trường quốc doanh: Đất rừng phải có chủ!

Chuyển đổi nông lâm trường quốc doanh: Đất rừng phải có chủ!

(VOV) - Nhiều địa phương và nông, lâm trường vẫn đang lúng túng chuyển đổi mô hình hoạt động phù hợp.

Đất sản xuất: lâm trường thừa, người dân thiếu
Đất sản xuất: lâm trường thừa, người dân thiếu

(VOV) - Thiếu đất là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo cao tại các địa phương có rừng.

Đất sản xuất: lâm trường thừa, người dân thiếu

Đất sản xuất: lâm trường thừa, người dân thiếu

(VOV) - Thiếu đất là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo cao tại các địa phương có rừng.