Đơn giản thủ tục để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn hỗ trợ, khôi phục sản xuất

VOV.VN - Các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành các phương án, hình thức tổ chức sản xuất khả thi để doanh nghiệp được lựa chọn, đơn giản thủ tục để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn hỗ trợ.

“Các Tỉnh, Thành ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc phục hồi sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp”. Đây là đề nghị của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp" được tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, cho người dân. Nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất do đứt gẫy chuỗi cung ứng vật tư, chuỗi sản xuất, chuỗi lao động, nhiều doanh nghiệp phải hủy các đơn hàng, phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng tới đời sống của hàng triệu lao động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất...

Để tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ xem xét ban hành các phương án, hình thức tổ chức sản xuất khả thi để doanh nghiệp được lựa chọn phù hợp với từng điều kiện cụ thể; cho phép doanh nghiệp chủ động triển khai các phương án tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp. Đồng thời đề nghị các tỉnh, thành phố không tùy tiện áp dụng các biện pháp chống dịch, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi lưu thông hàng hóa và người lao động khi quay trở lại làm việc.

Đại diện Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam, tại TP.HCM nêu ý kiến: “Kiến nghị Chính phủ có kế hoạch cho phép những người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc F0 đã khỏi bệnh, xét nghiệm có kháng thể được phép quay trở lại đi làm mà không phải xin bất kỳ một loại giấy đi đường nào bao gồm cả hệ thống thương mại truyền thống nhằm giảm tải cho hệ thống cung ứng hiện tại, đồng thời cũng giảm tải cho ngân sách nhà nước vì phải hỗ trợ cho nhóm đối tượng này, đặc biệt ở những nơi  kiểm soát dịch bệnh tốt. Kiến nghị Chính phủ không phân biệt vùng xanh-vàng-đỏ mà chỉ tập trung theo điểm đối với các ca nhiễm để kịp thời điều trị. Tránh những quy định chống dịch quá gắt, cực đoan tại những vùng đỏ-vùng xanh”.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn để có thể trang trải cho các khoản tri phí duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp không thu được công nợ nên không đủ chi phí trả nợ gốc, lãi vay ngân hàng và những khoản vay đến hạn chưa có khả năng đáo hạn, ngân hàng siết chặt các khoản vay.

“Các ngân hàng cần phải chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. Chúng ta đều thấy các ngân hàng đều đang báo cáo kết quả lợi nhuận trong khi các doanh nghiệp thì rất khó khăn để duy trì được hoạt động. Chúng ta đã có rất nhiều các quy định về hỗ trợ. Tuy nhiên, khi thực hiện thì mới thấy các thủ tục rất khó khăn. Vì vậy chúng tôi đề xuất là cần phải đơn giản hóa các thủ tục hồ sơ và không gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi chúng tôi cần hỗ trợ về các lĩnh vực tín dụng này” - đại diện công ty cổ phần Tập đoàn CEO tại Kiên Giang kiến nghị.

Một trong những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải đó là thủ tục nhập nhập cảnh và việc gia hạn hoặc cấp giấy phép cho lao động chuyên gia nước ngoài.

Đại diện Công ty Hóa chất Hyosung Vina tại Bà rịa-Vũng Tàu nêu ý kiến: “Đề nghị đơn giản hóa quy trình chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam làm việc. Công ty có trường hợp cần sự giúp đỡ của chuyên gia nước ngoài để xây dựng và vận hành nhà máy nhưng hiện tại thủ tục xin phép nhập cảnh còn khó khăn và mất nhiều thời gian. Việc này cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng dự án của chúng tôi. Quy trình nhập cảnh phải được ít nhất 4 cơ quan chấp thuận, phê duyệt nên mất nhiều thời gian”.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, nhiệm vụ vừa phục hồi sản xuất kinh doanh vừa phải bảo đảm an toàn về sức khỏe, tính mạng cho công nhân lao động là nhiệm vụ song hành. Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp đều có mong muốn phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng điều quan trọng là phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn, trách nhiệm cao. Nếu không phối hợp tốt thì khó có thể thành công.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, doanh nghiệp là chủ thể của quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh. Tùy theo tình hình của từng địa phương, từng địa bàn, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng phương án phục hồi sản xuất, bao gồm các giải pháp về kiểm soát F0; tránh tình trạng khi có F0 trong một phân xưởng mà phải dừng toàn bộ nhà máy với hàng chục phân xưởng. Trung tâm, đầu mối để xử lý, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp là các tỉnh, thành phố, chính quyền cơ sở. Vì vậy các địa phương sớm tổ chức các hội nghị, cuộc gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc với doanh nghiệp để quán triệt, triển khai tinh thần phục hồi sản xuất trong bối cảnh hiện nay.

“Chủ thể là các doanh nghiệp và trung tâm để xử lý việc này là các địa phương. Các địa phương thì thực hiện trước hết là có các hội nghị gặp gỡ, trao đổi, tiếp xúc với các doanh nghiệp sớm nhất trong tuần tới này. Tôi đề nghị tổ chức một hội nghị để quán triệt triển khai với tinh thần phục hồi sản xuất trong tình hình hiện nay với các doanh nghiệp. Trên cơ sở đó có những hướng dẫn về yêu cầu các doanh nghiệp để có phương án; trên cơ sở đó chúng ta có các tổ, mỗi một tổ do một đồng chí lãnh đạo tỉnh hướng dẫn để thông qua phương án sản xuất phương án phòng, chống dịch, giải quyết những vấn đề liên quan” - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu.

Trước kiến nghị của các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần có kế hoạch cụ thể phân bổ vaccine về các địa phương có các khu, cụm công nghiệp, hướng dẫn các giải pháp phòng chống dịch, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người lao động. Các tỉnh thành chỉ đạo Sở Y tế phối hợp để làm sao ưu tiên vaccine cho người lao động sản xuất công nghiệp. Về giao thông vận tải, Phó Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc không được cấm các huyết mạch giao thông, trong trường hợp phải phong tỏa thì tìm tuyến thay thế để hàng hóa lưu thông. Đồng thời Bộ giao thông cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, không để xảy ra tình trạng văn bản cấp trên tạo điều kiện thông suốt nhưng ở cấp dưới lại gây ách tắc, đặc biệt là không được ban hành các giấy phép con gây cản trở giao thông.

Phó Thủ tướng cho biết sẽ duy trì 1 tháng họp 1 lần với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, nhất là các địa phương, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; khẳng định, Chính phủ sẽ đồng hành, lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tới khi phục hồi sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp

VOV.VN - Sáng 20/9, tại trủ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khi công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp

VOV.VN - Sáng 20/9, tại trủ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khi công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp.

"Giải pháp căn cơ với doanh nghiệp hiện nay là được thông thương"
"Giải pháp căn cơ với doanh nghiệp hiện nay là được thông thương"

VOV.VN - Hơn 85.500 doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động trong 8 tháng của năm 2021, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp đang còn cầm cự hoạt động để tồn tại cũng không dễ dàng gì.

"Giải pháp căn cơ với doanh nghiệp hiện nay là được thông thương"

"Giải pháp căn cơ với doanh nghiệp hiện nay là được thông thương"

VOV.VN - Hơn 85.500 doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động trong 8 tháng của năm 2021, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp đang còn cầm cự hoạt động để tồn tại cũng không dễ dàng gì.

Nhiều doanh nghiệp ở Long An tạm dừng sau 3 ngày tái khởi động sản xuất
Nhiều doanh nghiệp ở Long An tạm dừng sau 3 ngày tái khởi động sản xuất

VOV.VN - Sau 3 ngày tỉnh Long An cho phép doanh nghiệp được hoạt động tối đa 50% lao động để tái khởi động sản xuất, đến sáng nay (18/9), nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động vì chưa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

Nhiều doanh nghiệp ở Long An tạm dừng sau 3 ngày tái khởi động sản xuất

Nhiều doanh nghiệp ở Long An tạm dừng sau 3 ngày tái khởi động sản xuất

VOV.VN - Sau 3 ngày tỉnh Long An cho phép doanh nghiệp được hoạt động tối đa 50% lao động để tái khởi động sản xuất, đến sáng nay (18/9), nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động vì chưa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.