Đồng bằng sông Cửu Long sau 5 năm gia nhập WTO
Nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của vùng đã chiếm lĩnh các thị trường như EU, Hoa Kỳ và một số nước châu Á.
Chiều 24/7, tại thành phố Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ tổ chức hội thảo” Kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long sau 5 năm gia nhập WTO. Dự hội thảo có lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia kinh tế hàng đầu ở trong nước cùng hàng chục doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Sau 5 năm nước ta gia nhập WTO, cùng với cả nước, nền kinh tế khu vực ĐBSCL có nhiều chuyển biến tích cực. Tốc độ GDP toàn vùng giai đoạn 2006-2011 đạt hơn 11%; nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của vùng đã chiếm lĩnh các thị trường như EU, Hoa Kỳ và một số nước châu Á.
Tuy nhiên trong quá trình phát triển, ĐBSCL hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như nông sản hàng hoá bị cạnh tranh mạnh mẽ về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; điều kiện cơ sở hạ tầng thấp kém làm chi phí đầu vào tăng; nguồn nhân lực còn thấp; nguy cơ biến đổi khí hậu tác động đến nền kinh tế là khó rõ nét; ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp còn thấp.
Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp chi nhánh thành phố Cần Thơ cảnh báo: “Nông thuỷ sản cứ một năm được giá thì vài năm sau lại xuống giá. Công nghệ trong sản xuất không ứng phó được với dịch bệnh và dịch bệnh đã làm cho sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng”.
Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế đều khẳng định, ĐBSCL cần thực hiện tốt chiến lược quy hoạch vùng, thực hiện liên doanh, liên kết trong sản xuất và dịch vụ; chú trọng cải thiện môi trường thu hút đầu tư; tập trung thu hút các nguồn đầu tư từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc; chú trọng đến việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài’ hình thành đội ngũ doanh nhân đủ mạnh để thích ứng với nhu cầu của sự phát triển./.