Dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận ì ạch 10 năm chưa xong
VOV.VN - Dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận đã qua nhiều lần khởi công, tái hoạt động và kéo dài gần 10 năm đến nay, vẫn chưa hoàn thành.
Hiện nay, trên công trường xây dựng đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận (đi qua các huyện Châu Thành, Tân Phước, Cái Bè, Cai Lậy và Thị xã Cai Lậy tỉnh Tiền Giang) vắng bóng người; xe ủi, xe tải nằm “án binh bất động”. Người dân trong vùng dự án cho biết, công trình này thực hiện ‘rùa bò’, hơn 10 ngày qua, nhiều gói thầu đã ngưng thi công. Ông Thái Văn Mười, người dân xã Tân Phú, Thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, gia đình ông và nhiều hộ dân ở địa phương đã bàn giao mặt bằng cho dự án đã lâu nhưng đến nay, công trình này vẫn bị “treo”.
“Công trình làm chậm, đến nay làm không đến nơi đến chốn. Tới nay mà công trình còn dang dở, đường kênh này nước bơm không được lúa mất mùa. Tôi đề nghị công trình đường cao tốc phải đẩy nhanh tiến độ. Cây cầu vượt nay đã làm 3 năm rồi, sét rồi, nhà thầu làm sao mà nghiệm thu. Mong ước người dân là làm cho xong để đi thông suốt từ Trung Lương- Mỹ Thuận vậy mà bỏ không” ông Mười bức xúc nói.
Gối thầu xây dựng đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận tại huyện Cái Bè, Tiền Giang dở dang. |
Gói thầu số 4 đi qua huyện Châu Thành, Tân Phước được đánh giá là đạt tiến độ nhanh nhất nhưng đến nay mới chỉ đạt khoảng 40% khối lượng công trình. Cũng như các gói thầu khác, khó khăn đơn vị thi công gặp phải là nguồn vốn và công tác giải phóng mặt bằng. Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc điều hành gói thầu số 4 của Công ty Cổ phần Đầu tư cầu đường CII cho biết, nếu phía tỉnh Tiền Giang giải tỏa dứt điểm khoảng 800 mét đường và được bổ sung nguồn vốn còn lại hơn 200 tỷ đồng thì đến cuối năm 2020 gói thầu này có thể sẽ hoàn thành đúng tiến độ đề ra.
“Để hoàn thành thì công ty mong muốn làm sao giải tỏa cho xong, sạch phần còn lại. Thứ hai là nguồn vốn được thanh toán kịp thời. Càng để lâu càng thiệt hại, thứ nhất là khấu hao thiết bị thiệt hại, bộ máy hành chính, tăng chi phí, không có công ăn việc làm” - ông Tuấn cho biết.
Dự án Dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận được khởi công lần 1 vào ngày 29/11/2009 sau đó không được thi công. Đến ngày 7/2/2015 mới tái khởi công lần 2. Qua hơn 10 năm thi công, dự án này đã nhiều lần bị tạm ngưng thi công để bổ sung, thay đổi thiết kế. Đến nay, dù nguồn vốn đã đầu tư vào dự án gần 2.000 tỉ đồng, nhưng tiến độ thực hiện chưa đạt 20% khối lượng công trình và hiện nay đang trong tình thế “bỏ hoang”.
Tỉnh Tiền Giang đã giải phóng mặt bằng đạt hơn 96% để bàn giao cho đơn vị thi công. Hầu hết các gói thầu trong dự án hiện ngưng thi công là do đơn vị thi công thiếu nguồn vốn. Phía các ngân hàng hiện đang dừng giải ngân cho dự án với lý do một lãnh đạo Công ty TNHH Yên Khánh -là một trong 6 công ty trong liên doanh, đóng góp 30% vốn cho tổng dự án có liên quan đến vụ án hình sự và yêu cầu thay thế nhà đầu tư khác.
Công trình thi công đường cao tốc tại Thị xã Cai Lậy bị bỏ hoang. |
Công trình thi công dở dang đã ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất, đi lại của người dân vùng dự án. Ông Mai Tân Sang, Chủ tịch UBND xã Điềm Hy, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho biết, dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận chậm còn ảnh hưởng đến sản xuất, đi lại của người dân, nhất là hệ thống kênh thủy lợi bị ách tắc do công trình đào lấp.
“Ngay chỗ ấp Bắc B, một số diện tích người dân chuẩn bị xuống giống gieo sạ vụ Hè Thu đang bị “vướng” do nước không bơm được. Do đó, UBND xã đã có văn bản gửi về trên can thiệp, đề nghị Công trình phải đẩy nhanh tiến độ, không được làm “vướn” đến sản xuất lúa trên địa bàn” - ông Mai Tân Sang nói.
Tại huyện Cai Lậy, dự án đường cao tốc đi qua địa bàn 3 xã có 426 hộ dân bị ảnh hưởng. Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng gần xong, tuy nhiên việc thi công công trình này quá chậm.
“Đối vớ dự án đường cao tốc ở huyện có đi qua 3 xã. Vấn đề giải phóng mặt bằng chỉ còn 4 hộ nữa thôi sẽ hoàn thành, bàn giao mặt bằng. Nhưng tiến độ thực hiện trên địa bàn thấy có chậm so với trước đây. Phía huyện mong nhà đầu tư sớm thực hiện dự án đường cao tốc này theo nguyện vọng của nhân dân làm sao đẩy nhanh tiến độ hơn” - ông Lý Văn Cẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy cho biết.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là dự án trọng điểm quốc gia có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Dự án dài 51 km, nối liền từ đường cao tốc Trung Lương- TPHCM đến chân cầu Mỹ Thuận (tỉnh Tiền Giang). Trước đây dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận do Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) làm chủ đầu tư. Sau khoảng 2 năm triển khai nhưng không huy động được vốn, đơn vị này đã xin trả lại dự án.
Sau đó, dự án được giao lại cho Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long làm chủ đầu tư; có 06 doanh nghiệp tham gia liên doanh xây dựng. Dự án có vai trò quan trọng kết nối đồng bằng sông Cửu Long với TPHCM và khu kinh tế trọng điểm phía Nam. Đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận hoàn thành sẽ giải quyết bài toán “ ùn tắc giao thông” trên quốc lộ 1A địa bàn tỉnh Tiền Giang xảy ra từ nhiều năm nay. Do đó, dự án này rất được người dân vùng ĐBSCL quan tâm và mong chờ ngày thông xe.
Theo chỉ đạo của Chính phủ dự án này phải hoàn thành trong năm 2019 để tiếp tục thực hiện dự án cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ. Sau đó, dự án lại được gia hạn đến năm 2020 hoàn thành và mới đây nhà đầu tư “xin” sẽ đưa dự án về đích vào năm 2021. Hiện nay, trong khi 6 gối thầu cùng một lúc phải “dậm chân tại chỗ” dự án cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận không biết ngày thông xe. Sự mòn mỏi chờ mong của người dân vùng đất 9 sông về một trục cao tốc hoàn hảo này không biết đến khi nào mới được thỏa nguyện?
Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận
Bộ trưởng GTVT lý giải vì sao cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chậm tiến độ