Dự án cầu Nhật Tân phát sinh hàng trăm tỷ đồng do chậm GPMB
VOV.VN -Các tổ chức tín dụng cho vay vốn quốc tế đã đưa ra cảnh báo về khả năng ngừng cho vay nếu các dự án ODA không đẩy nhanh được tiến độ
Dự án xây dựng cầu Nhật Tân trên địa bàn thành phố Hà Nội đang phải đối diện với khoản chi phí phát sinh lên đến hơn 155 tỉ đồng. Nguyên nhân là do phải kéo dài hợp đồng thêm 27 tháng, vì thành phố Hà Nội chậm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Đáng báo động hơn khi sự chậm trễ này có thể trở thành tiền lệ xấu cho nhiều vụ đền bù, tăng chi phí phát sinh khác, vì hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có tới cả chục dự án giao thông trọng điểm nhưng đều trong tình trạng bị chậm tiến độ do chưa bàn giao được mặt bằng để thi công.
Đến thời điểm này, Bộ Giao thông Vận tải vẫn đang thương thuyết với nhà thầu Tokyu trong việc hỗ trợ đơn vị này hơn 155 tỉ đồng về các chi phí phát sinh do chậm bàn giao mặt bằng gói thầu số 3 xây dựng đường dẫn phía bắc của cầu Nhật Tân. Cùng với việc bồi thường, gói thầu số 3 phải giãn tiến độ đến tháng 5/2014 mới hoàn thành, tức là chậm tiến độ khoảng 27 tháng.
Tiếp nối với cầu Nhật Tân, dự án đường nối Nhật Tân - Nội Bài cũng trong tình cảnh tương tự. Đáng lẽ cách đây 6 tháng, dự án đường nối cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài phải có mặt bằng để thi công, nhưng đến thời điểm này dự án vẫn đang vướng vì thiếu mặt bằng ở Đông Anh và Sóc Sơn.
Tuyến đường nối cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài, đoạn đi qua địa phận huyện Sóc Sơn dài chưa đến 8 km nhưng cho tới giờ mới chỉ có 65 trên 421 hộ dân ở xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn di chuyển và bàn giao mặt bằng.
Ông Đinh Lê Thông, Giám đốc Ban điều hành Dự án đường nối cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài cho biết: việc chậm trễ giải phóng mặt bằng dẫn đến nguy cơ dự án không hoàn thành đồng bộ với dự án cầu Nhật Tân vào tháng 10/2014 như đã cam kết với Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ.
“Tại gói thầu số 3 vướng 47 hộ dân, gói thầu số 4 vướng 247 hộ dân và gói thầu số 5 vướng 59 hộ dân chưa giải phóng được mặt bằng. Nếu cứ tiếp tục thế này thì chắc chắn không đảm bảo được tiến độ mà Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ giao là phải hoàn thành cùng với cầu Nhật Tân và nhà ga T2 Nội Bài….”- ông Đinh Lê Thông nói.
Tại xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn trong những ngày này, dọc con đường liên xã qua các thôn Thái Phù dẫn vào trụ sở Ủy ban Nhân dân xã, đâu đâu cũng thấy người dân bàn tán, lo lắng vì những quyết định thu hồi đất.
Gia đình bà Nguyễn Văn Dũng, thôn Thái Phù, xã Mai Đình đã ở đây từ những năm 1970, hiện đã có 3 thế hệ sinh sống trên mảnh đất này cho biết: “Gia đình tôi và các hộ dân ở đây không phản đối việc lấy đất để làm dự án giao thông quốc gia. Tuy nhiên, lý do gia đình chưa đồng ý di chuyển là vì muốn có nơi ở mới, đến đó để làm nhà ở chứ không thể sống vạ vật khi nhà bị thu hồi, phá dỡ. Có mặt bằng tại khu tái định cư chúng tôi sẽ đi ngay…”.
Gia đình anh Nguyễn Văn Thanh cũng ở thôn Thái Phù không đồng tình với mức giá đền bù đất ở nhà anh là 1,2 triệu đồng 1 mét vuông đất thổ cư. Thành phố cũng đã yêu cầu là đền bù phải sát với giá thị trường, mà theo anh giá đất mặt đường như nhà anh hiện nay khoảng 25 triệu đồng 1 mét vuông.
Còn gia đình chị Phan Bá Đông thì kiên quyết không nhận tiền đền bù, không ký các biên bản, giấy tờ các loại chỉ vì gia đình không thống nhất với cách giải quyết của Ban bồi thường giải phóng mặt bằng đưa ra là chỉ hỗ trợ gia đình chị 10% tiền phá dỡ căn nhà 3 tầng.
Làm việc với chúng tôi, ông Hồ Việt Hùng, Chánh văn phòng và là người phát ngôn của Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn cho biết: Tháng 1/2013 thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định 02 sửa đổi 1 số điều của Quyết định 108 trước đây về mức bồi thường và hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.
Theo đó sẽ xây dựng mức giá đền bù đất sát với giá thị trường, nhưng đã hơn nửa năm trôi qua, việc xác định này chưa thực hiện được, giữa tháng 7, thành phố lại ra Quyết định số 27 thì công việc khó khăn này được chuyển xuống cấp huyện, sau đó báo cáo sở Tài chính và liên ngành để thẩm định, việc xác định giá đất để đền bù cho dân coi như phải làm lại từ đầu. Còn khu tái định cư Mai Đình – Tiên Dược nơi di chuyển các hộ dân đến ở hiện nay cũng vẫn chỉ là một cánh đồng do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng.
Ông Hồ Việt Hùng cho biết: “Để phục vụ cho việc giải phóng mặt bằng dự án đường nối sân bay Nội Bài, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn đang chỉ đạo Ban giải phóng mặt bằng phối hợp với các đoàn thể để xác định hệ số thu hồi, hệ số K và trình thành phố. Bên cạnh đó vận động nhân dân ủng hộ dự án. Còn dự án khu tái định cư Mai Đình-Tiên Dược chúng tôi đang yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hạng mục, sau đó tổ chức cho người dân gắp thăm trên sơ đồ thửa đất, nhanh chóng chuyển dân đến để có mặt bằng cho đơn vị thi công…”.
Trong cuộc họp giữa Bộ Giao thông Vận tải với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và các Sở, quận, huyện ngày 5/8 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu các sở ngành, đặc biệt là Sở Tài chính nhanh chóng đưa ra mức giá bồi thường để trình thành phố phê duyệt, đồng thời yêu cầu các cấp chính quyền đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.
Một lần nữa, khi chính quyền thành phố Hà Nội lúng túng trong việc đền bù giải phóng mặt bằng thì các tổ chức tín dụng cho vay vốn quốc tế đã đưa ra một lời cảnh báo về khả năng sẽ phải ngừng cho vay nếu các dự án ODA không đẩy nhanh được tiến độ. Nếu điều này xảy ra thì thật sự là một câu chuyện đáng buồn ở thành phố Hà Nội./.