Dự án Metro số 1 TP HCM đã đạt hơn 70% khối lượng thi công
VOV.VN - Vốn ODA dành cho tuyến Metro số 1 chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi vốn do tổng mức đầu tư điều chỉnh chưa được phê duyệt lại.
Tại Hội nghị thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2019 và triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM do Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM tổ chức chiều 15/5, ông Hoàng Như Cương, Phó Ban quản lý Đường sắt đô thị TP HCM cho biết, hiện nay vốn ODA dành cho tuyến Metro số 1 chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi vốn, lý do là tổng mức đầu tư điều chỉnh chưa được phê duyệt lại.
Dự kiến cuối tháng 6, cơ quan chức năng của thành phố sẽ thẩm định xong dự án điều chỉnh và thành phố tiến hành phê duyệt, khi đó mới đăng ký được vốn ODA.
Hội nghị thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2019 và triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM. |
Theo ông Cương, năm 2019 TP HCM đã trình Thủ tướng xin tiếp tục tạm ứng cho tuyến Metro số 1 khoảng 2.100 tỷ. Đến nay, Ban quản lý Đường sắt đô thị đã thanh toán cho nhà thầu hơn 700 tỷ, trường hợp Chính phủ chưa phê duyệt dự án điều chỉnh và chưa được ghi vốn ODA thì TP HCM vẫn xin tiếp tục được tạm ứng cho tuyến Metro số 1.
“Hiện nay có phần vốn tạm ứng của thành phố, Ban quản lý Đường sắt đô thị và các nhà thầu triển khai bình thường. Tiến độ của dự án đã đạt khoảng hơn 70% tổng khối lượng”, ông Cương thông tin.
Trả lời về vấn đề giá điện, ông Phạm Quốc Bảo, Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP HCM cho biết, công ty đã chốt chỉ số cho 170.527 công tơ điện, qua đó bộ phận chăm sóc khách hàng nhận được 800 cuộc gọi thắc mắc về chỉ số giá điện và điện kế.
Ông Bảo cho rằng giá điện tăng trong kỳ thanh toán tháng 3 và tháng 4 theo phản ánh của cử tri là có cơ sở. Bởi bước vào thời điểm nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện tăng, hơn nữa bậc tiêu thụ điện của thành phố lại là bậc cao bởi đây là thành phố công nghiệp.
“Vừa qua, đoàn kiểm tra của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đã làm việc với TP HCM, đoàn kiểm tra trên thông tin khách hàng và kiểm tra thực tế tại điện lực đều tương thuận với 20 mẫu sinh hoạt và 5 mẫu sản xuất. Kiểm tra trực tiếp khi tiếp xúc với 3 khách hàng sản xuất đều xác định phù hợp và đúng với thực tế”, ông Bảo cho biết.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng Đoàn chuyên trách, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM đề nghị Tổng công ty Điện lực TP HCM cũng cần ghi nhận ý kiến của cử tri, vấn đề nào thuộc phạm vi của mình cần kịp thời giải thích để cử tri hiểu.
“Trong quá trình chuyển tiếp giá điện cần có thông tin kịp thời, sau đó cần rà soát để thấy các bước thay đổi khi ra đời sống xã hội phải có sự phù hợp, tránh có những suy diễn hoặc hiểu không đúng”, ông Khuê lưu ý./.
Lại tạm ứng hơn 2.100 tỷ đồng cho tuyến metro số 1 trả nợ