Dự án Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo chưa bố trí tái định cư người dân khốn khó
VOV.VN - Dự án đầu tư Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 (thuộc các xã Bình Phục Nhứt, Bình Phan, Thị trấn Chợ Gạo,huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) khởi công từ cuối năm ngoái và dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, việc thi công các hạng mục của dự án này thực hiện chậm.
Người dân trong diện giải tỏa gặp nhiều khó khăn cho cuộc sống người dân. Đặc biệt dù đã bàn giao mặt bằng nhưng nhiều hộ dân không có nơi ở do chưa xây dựng các khu tái định cư.
Đến nay, phía tỉnh Tiền Giang vẫn chưa thực hiện xong phần giải tỏa mặt bằng để bàn giao cho các đơn vị thi công Dự án Nâng cấp kênh Chợ Gạo (giai đoạn II). Cụ thể có 21 hộ trong tổng số 633 hộ dân ở ven kênh Chợ Gạo trong khu vực dự án chưa chấp nhận bàn giao mặt bằng với các lý do: chưa đồng ý với mức giá bồi thường, chờ xây xong nhà mới, chờ địa phương bố trí vào các khu tái định cư và một số trường hợp khác có đơn khiếu nại về công tác kê biên, áp giá...
Theo Ban quản lý Các dự án đường thủy (Bộ GTVT) đến nay, phía UBND huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) mới bàn giao mặt bằng cho dự án gần 80%, tiến độ thi công của 3 gói thầu số 1, 2, 3 đạt 36% so với kế hoạch đề ra. Dự án phấn đấu đến tháng 12/2023 phải hoàn thành, tuy nhiên, theo tiến độ như hiện nay thì rất khó đạt kế hoạch đề ra. Ví dụ như gói thầu số 1 thuộc địa bàn xã Bình Phục Nhứt hiện chưa thể giải tỏa các nhà dân khu vực chợ, công trình nhà lồng chợ; tại gói XL số 3 chưa di dời đường ống nước, đường điện gây khó khăn và nguy hiểm cho phương tiện thi công.
Tỉnh Tiền Giang tiến hành giải tỏa mặt bằng trước, xây dựng các khu tái định cư sau tại dự án Nâng cấp kênh Chợ Gạo là bất cập. Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang, các dự án thu hồi đất của dân phải xây khu tái định cư cho người dân có chỗ ở trước khi giải tỏa. Trong Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng quy định rõ về vấn đề này.
Ở thời điểm này, 138 hộ dù đã bàn giao mặt bằng tại các xã Bình Phục Nhứt, Bình Phan và Thị trấn Chợ Gạo có nhu cầu vào ở các khu tái định cư đang chờ nơi xây nhà ở; trong đó nhiều trường hợp phải đi thuê chỗ ở, ở nhờ nhà người thân...rất nhiêu khê.
Bà Trần Thị Ngọc Trinh, ở Ô 4, Khu 1, Thị trấn Chợ Gạo, huyện Chợ Gạo cũng như nhiều hộ chưa chấp nhận bàn giao mặt bằng cho dự án vì không còn nơi nào ở khác đang chờ huyện bố trí nền nhà trong khu tái định cư.
“Bây giờ chưa có nền tái định cư, gia đình tôi ở nhà chỉ có 40 m2, xây tạm để ở chứ bị đuổi đi không có chỗ ở. Ở vậy khó khăn lắm, nhà nước phải sớm tạo điều kiện cho dân chứ đơn vị thi công lại đuổi hoài. Con lộ này làm cũng không có chỗ di dời đồ đạc nữa” - bà Trần Thị Ngọc Trinh nói.
Tại xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo có 225 hộ vùng dự án phải giải tỏa, đến nay, còn 4 hộ chưa bàn giao mặt bằng; trong đó có 2 hộ do không có nơi khác ở. Trước đó, 80 hộ dân bị giải tỏa trắng hoặc bị thu hồi trên 70% diện tích đất, đủ điều kiện bố trí vào khu tái định cư nhưng chờ mãi không thấy khu tái định cư nào nên phải mua đất nơi khác ở.
Ông Lê Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo cho biết: “Tái định cư của đơn vị xã Bình Phan hiện nay UBND huyện đang lập hồ sơ để lập khu tái định cư phần đất công do UBND xã quản lý. Xã Bình Phan chỉ có 2 hộ đăng ký vào khu tái định cư của xã thôi. Trước kia có 80 hộ nhưng người ta đã nhận tiền đi tái định cư nơi khác. Hai hộ này người ta không còn đất, chỉ chờ đất tái định cư để di dời vào. Tái định cư nhanh hay chậm là do UBND huyện".
UBND huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết, sở dĩ triển khai xây dựng các khu tái định cư chậm là do gặp khó khăn về quỹ đất; nguồn kinh phí chi cho công tác bồi thường, hỗ trợ, xây các khu tái định cư chưa đáp ứng; do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Thậm chí, trụ sở UBND huyện và một số cơ quan hành chính của huyện Chợ Gạo đến nay, đã tháo dỡ công trình, bàn giao mặt bằng nhưng chưa có nguồn kinh phí để xây dựng ở vị trí mới; 249 hồ sơ đất của người dân đã bị sạt lở xuống dòng nước cần có thêm 45 tỷ đồng để hỗ trợ.
Trước tình trạng này, UBND huyện Chợ Gạo đã có văn bản đề xuất Ban quản lý các dự án đường thủy tiếp tục cấp thêm hơn 186 tỷ đồng để thực hiện công tác này. Riêng việc bố trí tái định cư cho 130 hộ dân có nhu cầu, các sở, ngành chức năng tỉnh Tiền Giang và UBND huyện Chợ Gạo đang lập hồ sơ, thiết kế để xây 3 khu tại các xã: Bình Phục Nhứt, Bình Phan và Thị trấn Chợ Gạo.
Do mặt bằng địa phương bàn giao chậm và không đồng bộ, nên các nhà thầu của dự án phải khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công theo yêu cầu của chủ đầu tư. Cụ thể, các nhà thầu tăng cường nhân lực, vật lực chọn các khu vực có “đất sạch” thi công trước, không để đứt gãy công việc tại công trường, phấn đấu từ tháng 4 đến tháng 6 năm tới hoàn thành các gói thầu.
Ông Nguyễn Mạnh Hải, chỉ huy trưởng công trình gói thầu số 3 của Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng HSC nói: “Gói số 3 kênh Chợ Gạo chậm một phần do mặt bằng. Bây giờ các hãng nước mắm họ mới nhận đền bù đang trong quá trình tháo dỡ. Về tiến độ có hơi chậm, chúng tôi đang trong quá trình tăng thiết bị, phần nạo vét vừa rồi phải tăng thêm 2 sà lan và một mũi thi công nữa”.
Kênh Chợ Gạo có chiều dài hơn 28 km nối liền từ Rạch Lá đến Rạch Kỳ Hôn kết nối giữa sông Tiền và sông Vàm Cỏ. Đây là tuyến giao thông thủy huyết mạch vùng đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM. Mỗi ngày, tuyến kênh này có gần 2.000 phương tiện đường thủy có trọng tải lớn chở hàng hóa qua lại. Sau khi hoàn thành dự án Nâng cấp kênh Chợ Gạo (Giai đoạn I- bờ Bắc), Bộ Giao thông Vận tải có chủ trương thực hiện dự án (giai đoạn II- bờ Nam).
Dự án đầu tư nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư hơn 1.335 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, có hơn 600 hộ dân ở ven bờ kênh Chợ Gạo bị thu hồi đất, với tổng kinh phí giải phóng mặt bằng khoảng 683 tỷ đồng. Dự án gồm các hạng mục: Nạo vét mở rộng luồng đường thủy gần 10 km; xây dựng công trình bảo vệ bờ Nam kênh Chợ Gạo, cầu và đường dân sinh đi qua địa bàn các xã bờ phía Nam như: Bình Phục Nhứt, Bình Phan và thị trấn Chợ Gạo. Sau khi cải tạo, đoạn luồng trên đạt quy chuẩn luồng đường thủy cấp II với chiều sâu hơn 3,5 m, rộng hơn 50 m, giúp tàu thuyền lưu thông thuận lợi hơn.
Trước đây, dự án Nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 đã bị treo nhiều năm nên phía bờ Nam của kênh Chợ Gạo thời gian qua bị sạt lở nghiêm trọng, gây khó khăn cho việc đi lại của nhiều hộ dân. Do đó, việc dự án triển khai thi công cần có sự chung tay, cộng đồng trách nhiệm từ nhiều phía, khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ công trình để chống phát sinh chi phí và sớm ổn định đời sống của người dân nơi đây./.