Dự án nước sạch Sông Đà 2: Phải kiểm tra chất lượng từng ống nước
VOV.VN - Chuyên gia cho rằng, cần kiểm tra chất lượng từng ống nước do nhà thầu Trung Quốc cung cấp để đảm bảo chất lượng dự án nước sạch Sông Đà 2.
Để triển khai Dự án nước sạch Sông Đà giai đoạn 2, Công ty CP nước sạch Vinaconex (Viwasupco) - Chủ đầu tư dự án đã chọn Công ty TNHH Sản xuất ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc), là nhà thầu cung cấp hệ thống ống gang dẻo cấp nước cho dự án này. Viwasupco cũng xác nhận, việc lựa chọn nhà thầu Xinxing là kết quả của quá trình đấu thầu rộng rãi để tìm ra nhà thầu có đầy đủ năng lực, kinh nghiệm, bởi đây là gói thầu quan trọng, có tầm ảnh hưởng và quyết định lớn đến chất lượng và tiến độ của dự án.
Được biết, trong quá trình Viwasupco mở thầu cung cấp hệ thống ống và phụ kiện cho Dự án nước sạch Sông Đà giai đoạn 2, đã có tới 21 đơn vị mua hồ sơ đấu thầu và có 4 đơn vị nộp hồ sơ dự thầu. Trong số này có 1 liên doanh của Việt Nam, 2 doanh nghiệp của Trung Quốc và 1 doanh nghiệp đến từ Cộng hòa Pháp. Kết quả cuối cùng, Công ty Xinxing của Trung Quốc trúng thầu cung cấp hệ thống ống gang dẻo cho dự án với tổng vốn đầu tư 1.200 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu - Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đã có những ý kiến quan ngại về chất lượng sản phẩm do nhà thầu Xinxing cung cấp. Trong một báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu cung cấp đường ống cho Dự án nước Sông Đà giai đoạn 2, Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu nhận định: Mặc dù nhà thầu được đánh giá đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật, theo đánh giá của các chuyên gia, chất lượng ống gang dẻo của nhà thầu tại một số dự án thực hiện tại Việt Nam chưa làm hài lòng khách hàng.
Đường ống dẫn nước Sông Đà từng liên tục bị vỡ do ống dẫn bằng nhựa không chịu nổi áp suất. (Ảnh: zing.vn) |
Đặc biệt, theo Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu, trong tiêu chuẩn đánh giá khi mời thầu của Viwasupco cũng chưa quy định nội dung đánh giá liên quan đến dây chuyền công nghệ, thiết bị sản xuất. Do đó, Trung tâm này lưu ý Viwasupco, nếu chỉ dựa trên hồ sơ mời thầu và đánh giá theo khía cạnh xem xét hồ sơ tài liệu, việc đấu thầu rất có thể dẫn tới đã loại bỏ những nhà thầu có năng lực.
Liên quan đến vấn đề này, theo ý kiến của PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, việc đấu thầu và lựa chọn nhà thầu như thế nào cần tuân thủ đúng theo quy định pháp luật hiện hành. “Quan trọng nhất vẫn phải là việc xác định và quy trách nhiệm người đứng đầu, đặc biệt là trong công tác lựa chọn nhà thầu và thực hiện dự án. Cụ thể, trong tiêu chí đầu thầu, chủ đầu tư cần phải xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giám sát toàn bộ quá trình thực hiện, giải ngân cũng như vận hành dự án.
Gay gắt hơn trong vấn đề này khi phân tích về yếu tố kĩ thuật, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cảnh báo: “Những đường ống này phải chịu lực cao áp cực lớn. Thời gian qua, đường ống dẫn nước Sông Đà đã liên tục bị vỡ do ống dẫn bằng nhựa không chịu nổi áp suất. Do đó tới đây, khi thi công đường ống gang dẻo nhưng mức độ chịu áp lực như thế nào cần thiết phải được quy định rõ trong hợp đồng. Để đảm bảo chất lượng, phải kiểm tra áp lực từng ống, hoặc kiểm tra 5 – 10 ống một lần, Theo tôi, cẩn thận hơn cả là cần phải kiểm tra áp lực của từng ống”.
TS. Phạm Sỹ Liêm cũng cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nên có ý kiến từ khi doanh nghiệp tiến hành công tác đầu thầu. Ở thời điểm hiện tại, Bộ này cũng nên rà soát lại trình tự thủ tục xem quy trình đấu thầu có được thực hiện đúng hay không? công tác đấu thầu đã làm thế nào???
Do việc đấu thầu dự án là vấn đề kinh tế thị trường, là công việc giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp ký kết hợp đồng với nhau. Chính vì vậy TS. Phạm Sỹ Liêm lưu ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần xem xét hợp đồng ký kết như thế nào, trong đó có quy định rõ vấn đề chất lượng, tiến độ cung cấp vật liệu ra sao.
TS Phạm Sỹ Liêm cũng cho rằng, cơ quan quản lý cần nêu rõ doanh nghiệp trúng thầu đã bị khách hàng phàn nàn ở những dự án nào, cần nói ra cụ thể để tránh tính chất kỳ thị. Đặc biệt quan trọng là vấn đề tiến độ dự án phải được quy định rõ trong hợp đồng kinh tế, không thể chủ quan sơ sài tránh những sai lầm đáng tiếc có thể xảy ra nhưng chủ đầu tư lại không thể bắt lỗi được nhà thầu./.