Dự án nước sông Đà 2: Nhà thầu Trung Quốc có được “tạo điều kiện”?
VOV.VN - Mặc dù có đầy đủ điều kiện thắng thầu nhưng một nhà thầu Ấn Độ đã bị chủ đầu tư loại một cách khó hiểu trước nhà thầu Trung Quốc.
Ngày 21/3, Công ty CP nước sạch Vinaconex (Viwasupco – Chủ đầu tư dự án nước sông Đà giai đoạn 2) đã có thông cáo báo chí về kết quả triển khai công tác lựa chọn nhà thầu cung cấp ống gang dẻo cho dự án này. Trong đó cho biết, nhà thầu trúng thầu là Công ty TNHH sản xuất ống gang dẻo Xinxing (Trung Quốc) với giá trúng thầu thấp hơn khoảng 11,8% so với giá gói thầu được phê duyệt.
Đoàn chuyên gia của Viwasupco kiểm tra cơ sở sản xuất của Jindal Saw tại Abu Dhabi. (Ảnh: Internet) |
Ngoài ra, Viwasupco cũng cho biết đã thuê Trung tâm hỗ trợ đấu thầu (thuộc Cục Quản lý đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thẩm định kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật/tài chính và kết quả lựa chọn nhà thầu...
Ngay sau thông báo này của Viwasupco, báo chí đã lên tiếng và nêu ý kiến dư luận băn khoăn, lo lắng về chất lượng đường ống nước do nhà thầu Trung Quốc cung cấp. Đích thân Phó Thủ tướng Chính phủ đã phải yêu cầu TP Hà Nội Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát toàn bộ quá trình thực hiện dự án và đề xuất rõ những giải pháp (nếu có) để bảo đảm dự án được thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ và theo đúng quy định của pháp luật.
Chủ đầu tư loại nhà thầu một cách khó hiểu
Có một điều không bình thường là sau vụ Công ty Xinxing (Trung Quốc) thắng thầu dự án đường ống nước Sông Đà 2, khi chia sẻ với báo Tuổi Trẻ, đại diện một nhà thầu Ấn Độ là liên danh Jindal SAW – Newtatco - một trong hai nhà thầu cuối cùng (cùng với nhà thầu trúng thầu Xinxing) đã bị loại trong việc đấu thầu gói thầu cung cấp đường ống nước sạch sông Đà cho biết, ông không cảm thấy được thuyết phục khi liên danh đã bị loại khỏi dự án này.
“Đây là gói thầu lớn đầu tiên chúng tôi tham gia tại Việt Nam, tôi thất vọng về quy trình và cái cách chủ đầu tư đã loại nhà thầu, dường như chưa có sự minh bạch ở đây, và như vậy đã tạo môi trường thiếu cạnh tranh”, đại diện liên danh Jindal SAW - Newtatco cho hay.
Theo lý giải của Jindal SAW – Newtatco, trong quá trình dự thầu, liên danh này đã cung cấp tất cả hồ sơ chứng minh năng lực sản xuất cũng như các hợp đồng đến chủ đầu tư Viwasupco, đảm bảo việc cung cấp ống gang dẻo theo tiêu chuẩn này, đặc biệt là các hợp đồng đã cung cấp những đường ống đường kính 1.600mm.
Tuy nhiên theo chủ đầu tư, lý do liên danh Jindal SAW - Newtatco bị loại khỏi vòng đấu thầu trước đối thủ là nhà thầu Trung Quốc vì trong hồ sơ mời thầu, có một điều kiện là nhà thầu phải cung cấp hai hợp đồng đã cung cấp thành công và các hợp đồng này phải có cùng kích thước và giá trị.
Trong khi liên danh Jindal SAW - Newtatco đã nộp bản sao các hợp đồng có giá trị tương đương có nhiều kích cỡ từ DN 1100 - DN 1600 cho ống gang dẻo sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 2531/2009, cấp C. Tuy nhiên theo chủ đầu tư, liên danh Jindal SAW - Newtatco lại cần phải có hợp đồng tương tự chỉ có DN 1600.
Với những điều “khó hiểu” như trên, đại diện nhà thầu Ấn Độ nói: “Chúng tôi rất thất vọng với cách chủ đầu tư đã loại nhà thầu. Điều này ít nhiều tạo ra môi trường thiếu cạnh tranh. Tôi cũng không thấy sự minh bạch, rõ ràng trong suốt quá trình đấu thầu. Tôi có cảm giác các nhà thầu khác đã bị loại bỏ hoặc phải tự bỏ cuộc để duy nhất một công ty thắng thầu”.
Dự toán thế nào mà để “hớ” như thế?
Nhận xét về điều này, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng cho rằng, việc Công ty Xinxing (Trung Quốc) thắng thầu dự án cung cấp đường ống nước sông Đà và việc liên danh Jindal Saw - Newtatco “tố” quy trình đấu thầu dự án này có nhiều điều bất minh.
Bởi theo quy định đấu thầu tại Luật Đấu thầu 2013, cần xem hồ sơ mời thầu có minh bạch rõ ràng các tiêu chí hay không. Liệu rằng có việc “cài thầu” trong đấy hay không. Chẳng hạn như có những tiêu chuẩn kỹ thuật có tính đặc thù, chủ đầu tư biết là chỉ có một nhà thầu nào đó có thôi. Hay nhà thầu có thiết bị, nguyên liệu chỉ một nhà sản xuất cấp cho thì chủ đầu tư sẽ đặt ra tiêu chí là phải có tiêu chuẩn G7.
“Trong đấu thầu dự án cung cấp đường ống nước sông Đà, tại sao chủ đầu tư đặt ra tiêu chí “năng lực sản xuất đường ống 1.800mm” mà không phải là 1.600mm? Việc đặt ra tiêu chí như thế có phải là vì công ty của Trung Quốc đang có ưu thế và chủ đầu tư “tạo điều kiện” cho công ty Trung Quốc?”, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng đặt dấu hỏi.
Ngoài ra, đối với Chủ đầu tư cũng cần phải tìm hiểu rõ nguyên vật liệu, gang dẻo dùng cho đường ống là loại gang dẻo gì, tiêu chuẩn ra sao, đã dùng cho những đường ống bây giờ sử dụng như thế nào. Nhà thầu vượt qua được hàng rào kỹ thuật mới đến mở hồ sơ đề xuất kinh tế. Do đó nhiều khi nhìn bề ngoài là quy trình, tiêu chí nhưng lại biểu hiện yếu tố “cài thầu” nên phải xem xét hết sức cẩn trọng, chặt chẽ. Hơn nữa, cơ quan chức năng cần quan tâm đến thành phần chấm thầu. Cụ thể ở đây là tổ chuyên gia xét duyệt do chủ đầu tư thành lập, các thành viên đã vô tư, khách quan, đã làm hết trách nhiệm hay chưa?
“Ai lại đưa ra giá chào thầu mà cuối cùng có thể bỏ thầu với mức giá giảm được 11,8%, tôi thấy có vấn đề rất không bình thường. Chủ đầu tư đưa ra chào thầu mà nhà thầu có thể bỏ thấp hơn đến mức như thế. Tự hỏi, ngay từ ban đầu khi thiết lập dự toán, chủ đầu tư đã thiết kế, tính toán định mức sát chưa? Giả sử, nếu nhà thầu không bỏ thầu thấp mà họ bỏ giá cao thì chả khác gì chủ đầu tư đã mất không mấy trăm tỷ nữa? Có thể thấy, những người thiết kế, tính toán dự án không sát mới để “hớ” như thế”, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng ngạc nhiên.
Mặc dù ngày 5/4, UBND TP Hà Nội đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tạm dừng việc ký kết hợp đồng với nhà thầu cung cấp vật tư ống gang dẻo và phụ kiện, từ đó nghiên cứu kỹ về ý kiến của tư vấn xét thầu và dư luận của nhân dân. Tuy nhiên, với quy trình đấu thầu, tiêu chí chọn thầu của Viwasupco như đã thực hiện thời gian qua đã khiến người dân không thể yên tâm…/.