Dự án thuỷ lợi 4.400 tỷ: Lãnh đạo địa phương đổ lỗi cho nhau

VOV.VN - Dự án Krông Pách thượng chậm sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ, do đó, cần giao nhiệm vụ và thời gian hoàn thành cụ thể cho từng cơ quan, ban ngành, đơn vị.

Tiếp tục thông tin về Dự án thuỷ lợi 4.400 tỷ Krông Pách Thượng 11 năm vẫn chưa hoàn thành và bộc lộ nhiều bất cập, tắc trách, hôm nay (3/9), Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu đã tiến hành đi kiểm tra thực tế và có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh uỷ Đắk Lắk để tìm giải pháp thúc đẩy tiến độ dự án cũng như đảm bảo an toàn cho hàng nghìn người dân vẫn còn mắc kẹt trong vùng lòng hồ.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường phát biểu tại buổi làm việc.

Đoàn công tác đã đi kiểm tra tại khu vực cụm đầu mối của Thuỷ lợi Krông Pách Thượng và dự định đi khảo sát khu dân cư ở vùng lòng hồ. Tuy nhiên khu vực này hiện đã bị cô lập do trong mấy ngày qua có mưa lớn, đoàn không thể tiếp cận.

Vượt nước lũ ra khu vực cụm đầu mối để gặp đoàn công tác của bộ và tỉnh, ông Thào Seo Pao, ở thôn 11, xã Cư San, huyện M’Đrăk cho biết, bà con đang rất lo lắng về tài sản, tính mạng và mong muốn sớm được di dời đến nơi an toàn.

“Bà con lo thiếu lương thực là cái chính. Còn nếu như nước ngập lên cao nữa thì bà con lo lắng về tính mạng, người lớn có thể tránh được thì trẻ con không tránh được, cái đó là nguy hiểm. Bộ vào đây thì bà con mong muốn là làm sao giải phóng mặt bằng nhanh nhanh, cho bà con di chuyển đến một chỗ nào an toàn”, ông Pao nói.

Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đi kiểm tra tại vùng lòng hồ thuỷ lợi Krông Pách thượng

Trước khi đi thực địa, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã có buổi làm việc với tỉnh Đắk Lắk, tập trung vào 2 vấn đề đáng lo nhất hiện nay là mưa lũ đe doạ tài sản, tính mạng người dân vùng lòng hồ và khả năng mất vốn dự án do chậm giải ngân, chậm giải phóng mặt bằng.

Đại diện Cục Quản lý xây dựng công trình, Bộ NN&PTNT nêu ra tình hình rất đáng lo ngại khi trung tuần tháng 8 vừa qua, lượng mưa khu vực lòng hồ chỉ đạt 30-40mm đã gây ngập hàng chục ha. Thời gian tới, mưa lũ được dự báo sẽ rất phức tạp, nếu lượng mưa đạt 100mm hoặc hơn thế thì nguy cơ rất lớn đến tính mạng, tài sản của người dân. Điều này đòi hỏi đảng bộ, chính quyền các cấp của tỉnh Đắk Lắk phải nhìn nhận cho đúng để có giải pháp giải quyết tốt các mối nguy cơ.

Vấn đề giải ngân vốn giải phóng mặt bằng của Đắk Lắk quá chậm, nguy cơ bị cắt vốn cũng đã được phân tích, mổ xẻ. Cụ thể, có 210 tỷ chuyển tiếp từ 2019 nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa giải ngân xong và với sự trì trệ như hiện nay thì khả năng vốn chuyển tiếp cũng khó giải ngân hết, chưa nói đến vốn kế hoạch 2020. Trong tình huống không giải ngân xong, dự án sẽ bị cắt vốn.

Khu vực lòng hồ bước vào cao điểm mùa mưa, nguy cơ lớn đến hàng trăm hộ dân, hàng nghìn nhân khẩu

Nguyên nhân dự án chậm tiến độ, giải phóng mặt bằng không đạt kế hoạch đã được nhắc đến rất nhiều trong các cuộc họp, nhưng đại diện Bộ NN&PTNT nhận định, nút thắt lớn nhất là con người. Đang có những sự bất ổn trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai nhiệm vụ.

Tại cuộc họp, đại diện chủ đầu tư giải phóng mặt bằng và các sở ngành của Đắk Lắk tiếp tục bất đồng quan điểm, đổ lỗi cho nhau trong việc chậm giải quyết một số vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Phạm Ngọc Nghị cho rằng, cho đến lúc này mà các bên liên quan vẫn còn lòng vòng, chưa thống nhất, mỗi người một ý thì những vướng mắc của dự án khó lòng giải quyết.

“Giữa địa phương với sở ngành, rồi giữa huyện với các xã thì mỗi anh làm một ý. Bây giờ giải quyết là không ra thì các ngành phải tham mưu cho UBND tỉnh. Khung chính sách quy định như thế thì phải tham mưu xem ai làm việc này để UBND tỉnh xử lý, chứ còn tôi thấy các đồng chí cứ nói lằng quằng như thế là không ổn”, ông Phạm Ngọc Nghị nói.

Trước thực trạng đáng lo như vậy, Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk Bùi Văn Cường đề nghị các bên liên quan ngồi lại thống nhất đề xuất cách giải quyết từng vấn đề, từng hạng mục. Dự án Krông Pách thượng chậm sẽ kéo theo rất nhiều hệ luỵ, do đó, cần giao nhiệm vụ và thời gian hoàn thành cụ thể cho từng cơ quan, ban ngành, đơn vị. Ai, đơn vị nào không làm hoặc làm chậm cần xử lý nghiêm, có vậy mới đẩy nhanh được tiến độ.

“Cần phải có định mức thời gian phải hoàn thành, ra kế hoạch đến thời gian đó không hoàn thành thì như thế nào. Phải như thế mới ra được chứ còn không thì cuối cùng cứ bằng nhau hết thì không được. Tôi đề nghị, những đơn vị nào, bộ phận nào chậm trễ cần thiết phải xử lý cán bộ. Còn cứ ngồi đó mà cản trở, ách tắc thì rất gay”, Bí thư Bùi Văn Cường nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp trao đổi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng người dân vùng lòng hồ

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp rất lo lắng về tiến độ dự án thuỷ lợi Krông Pách thượng. Trong đó, nỗi lo lớn nhất là tính mạng, tài sản của hàng trăm hộ dân, hàng nghìn nhân khẩu khi mà công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, di dời dân vùng lòng hồ còn rất chậm. Trong thời gian ngắn, Thủ tướng cũng đã 2 lần yêu cầu Bộ báo cáo về dự án này.

Để giải quyết câu chuyện ngập lụt vùng lòng hồ, Bộ đã tính toán các giải pháp, như làm trạm bơm hoặc mở rộng kênh dẫn dòng nhưng cả hai đều không khả thi vì vừa tốn kém, vừa không hiệu quả. Giải pháp duy nhất lúc này là tỉnh phải đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời dân. Điều này đòi hỏi các sở ban ngành của tỉnh phải tích cực, đồng bộ, cần sự chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt, quyết liệt.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định, nếu tỉnh Đắk Lắk không làm quyết liệt, giải phóng mặt bằng còn chậm trễ, tài sản, tính mạng của dân bị đe doạ và dự án có nguy cơ bị dừng.

“Mốc nào, thời gian nào thì việc đầu tiên là phải đảm bảo người dân phải có cuộc sống ổn định. Khung chính sách chúng ta đã có rồi, và khung chính sách bây giờ còn kèm theo rất nhiều chính sách khác để có thể áp dụng. Tôi đề nghị phải có sự chỉ đạo xuyên suốt việc này. Chúng ta đưa ra các mốc thời gian và đã tính toán nhưng nếu như không làm đồng bộ, cái này sẽ ảnh hưởng đến cái kia, ngay lập tức công trình này khả năng phải tạm dừng là rất cao”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên