Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt kỷ lục mới cả sản lượng, giá trị xuất khẩu
VOV.VN - Xuất khẩu gạo trong 8 tháng của năm nay đã đạt hơn 5,8 triệu tấn, mang về hơn 3,1 tỷ USD, tăng 22% về số lượng và hơn 36% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Việc giá gạo tăng về giá trị đã khẳng định vị thế của ngành hàng lúa gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.
Tín hiệu đáng mừng là ngay từ đầu vụ Hè Thu đến nay, giá lúa ở ĐBSCL luôn ở mức cao, thị trường lúa gạo vẫn tiếp tục sôi động. Người dân có lãi, doanh nghiệp mở rộng quy mô thu mua lúa để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu và đàm phán ký kết các hợp đồng với các nước đang có nhu cầu mua gạo để dự trữ trước những động thái hạn chế xuất khẩu của nhiều nước thời gian qua.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, khu vực ĐBSCL có một lợi thế là lúc nào cũng có lúa trên đồng ruộng nên không lo thiếu lúa gạo. Bởi khu vực này sản xuất lúa 3 vụ và chia theo từng vùng sinh thái khác nhau, có vùng vừa xuống giống thì vùng khác đang bắt đầu thu hoạch, đây là lợi thế riêng của vùng ĐBSCL.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất lúa năm nay đạt nhiều thắng lợi nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Ngoài thành công về diện tích gieo trồng, sản lượng, còn ghi nhận giá lúa ở mức cao và sản lượng xuất khẩu tăng, đạt được mục tiêu kép khi “trúng mùa, được giá”. Mặc dù gặp phải những yếu tố bất lợi của thời tiết nhưng các địa phương, người dân đã nỗ lực vượt qua thách thức để đạt được mục tiêu của ngành hàng. Nông dân có lãi, doanh nghiệp xuất khẩu gạo với giá cao và mở rộng thêm thị trường xuất khẩu.
Từ nay đến cuối năm, vùng ĐBSCL có khoảng 6 triệu tấn lúa, tương đương 3 triệu tấn gạo từ vụ lúa Hè Thu và vụ Thu Đông, sau khi trừ đi tiêu dùng trong nước thì hoàn toàn có thể xuất khẩu gạo đạt và vượt so với cùng kỳ. Trong những năm gần đây sản xuất lúa gạo đạt thắng lợi của cả nước nói chung cũng như khu vực ĐBSCL.
“Từ nay đến cuối năm, còn khoảng 700.000 hecta lúa Thu Đông, còn khoảng 300.000 hecta lúa Hè Thu, như vậy xấp xỉ 1 triệu hecta. Với một triệu hecta năng suất khoảng 6 tấn thì chúng ta có khoảng 6 triệu tấn lúa tương đương khoảng 3 triệu tấn gạo. Trong 6 tháng đầu năm, chúng ta xuất khẩu được khoảng 6 triệu tấn gạo, năm 2022, xuất khẩu được khoảng 7,2 triệu tấn, năm nay chúng ta cũng đặt chỉ tiêu 7,2 triệu tấn có khi có thể hơn một chút. Với sản lượng khoảng 3 triệu tấn gạo còn lại, ngoài việc đã trừ cho tiêu dùng trong nước thì chúng ta hoàn toàn đạt được mục tiêu xuất khẩu”, ông Lê Thanh Tùng đánh giá.
Thông tin thị trường từ ông Nguyễn Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông trụ sở tại Đồng Tháp cho biết, nhiều khả năng trong một thời gian nữa Ấn Độ vẫn chưa thể dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo vì tình hình thời tiết vẫn còn nhiều bất lợi. Ngoài ra, trước những động thái của một số nước tăng nhập khẩu để dự trữ thì lượng gạo của Việt Nam không đủ bán.
Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Việt Anh, sản xuất lúa gạo năm nay đáng mừng cho người dân nhưng nếu cao quá thì có thể chỉ số lạm phát tăng. Câu chuyện đứt gãy chuỗi liên kết ở cánh đồng, phá vỡ hợp đồng, bán sang tay nhiều nhưng không có hành lang pháp lý... vẫn xảy ra, các doanh nghiệp lớn không có đủ gạo để giao. Vì vậy, cần có hành lang pháp lý đủ mạnh để xử lý.
“Chuyện đứt gãy chuỗi liên kết ngoài đồng, cái này cũng bình thường trên kinh tế thị trường. Nhưng mà độ cam kết của nông dân, đặc biệt là thương lái thay đổi rất nhiều trong ngày, kiếm lời rất nhiều nhưng không có hành lang pháp lý, quy định chế tài nên đứt gãy chuỗi cung ứng, là do các doanh nghiệp lớn không có đủ gạo để giao và tình trạng thua lỗ cũng nhiều, phá vỡ hợp đồng – việc này cũng làm ảnh hưởng đến uy tín quốc gia”, ông Nguyễn Việt Anh nói.
Theo ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, hàng năm sản lượng lúa của Đồng Tháp khoảng 3,3 triệu tấn. Đồng Tháp là một trong những địa phương đóng góp lớn vào lượng gạo xuất khẩu chung của vùng ĐBSCL sẽ có khoảng 60.000 hecta lúa Đông Xuân sớm thu hoạch trước Tết và cơ cấu giống lúa thơm, chất lượng cao chiếm khoảng 70% để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
“Theo dự báo, lúa năm nay thu hoạch được trước tết vẫn giữ giá cao, còn sau tết là câu chuyện phía sau. Chúng tôi khẳng định, đối với nông dân Đồng Tháp chênh lệch 300kg/hecta so với trước tết và sau tết không đáng kể nhưng giá cả sẽ là điểm quyết định cho vụ lúa”, ông Lê Quốc Điền cho hay.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam cho rằng, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo đã tác động đến thị trường lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, việc dừng xuất khẩu gạo của Ấn Độ năm nay khác so với năm 2008, khi đó là khủng hoảng lương thực toàn cầu. Năm nay, Ấn Độ cấm xuất khẩu vì một số lý do và một số nước cũng dừng xuất khẩu gạo.
Theo các chuyên gia, việc các quốc gia cấm xuất khẩu gạo không ảnh hưởng đến Việt Nam vì gạo của Việt Nam khác với Ấn Độ và một số nước khác. Nếu theo cân đối của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì xuất khẩu gạo sẽ đạt và vượt so với năm 2022.
“Với sản lượng cân đối của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đã xuất được 5,8 triệu tấn, còn lại 4 tháng thì bình quân một tháng xuất khẩu 400.000 tấn gạo là bình thường, 1 tháng tối đa xuất khẩu gạo của Việt Nam mà đi bằng đường biển hay bằng container thì tháng cao nhất 800.000 tấn. Như vậy còn lại 4 tháng, một tháng thì do mưa bão ảnh hưởng tối thiểu mình xuất được 400.000 tấn, 4 tháng thì khoảng 1,6 triệu tấn. Nếu cân đối theo sản lượng hàng hóa dư thừa của Bộ Nông nghiệp thì khả năng của mình là đạt và vượt so với năm 2022”, ông Nguyễn Ngọc Nam nhận định.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung, vùng ĐBSCL là vùng trọng điểm về sản xuất lương thực, thực phẩm hàng hóa, có vai trò đặc biệt quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và phục vụ xuất khẩu. Khu vực này đóng góp hàng năm khoảng 90% lượng gạo xuất khẩu. Sản lượng các vụ trong năm 2023 ở vùng ĐBSCL đạt gần 24 triệu tấn, tăng hơn 400.000 tấn so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, trước tình hình thế giới còn nhiều biến động khó lường, cùng với đó là hiện tượng El Nino, tình trạng mặn xâm nhập, hạn hán ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất trồng trọt, vụ Đông Xuân 2023 – 2024 vùng ĐBSCL dự báo là vụ sản xuất phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Những khó khăn đã được dự báo ngay từ đầu vụ. Và để sản xuất an toàn vụ lúa Đông xuân, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương tuân thủ lịch thời vụ, xuống giống theo khuyến cáo để đảm bảo khoảng 1,5 triệu ha lúa, với sản lượng ước đạt 11 triệu tấn lúa theo kế hoạch. Đồng thời, bảo đảm nguồn nước trong mùa khô, liên kết, sản xuất theo chuỗi gắn với hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
“Về diện tích lúa gạo như diện tích gieo trồng theo báo cáo mà chúng ta đề ra kế hoạch của năm 2022 – 2023 và những vụ tiếp theo, hiện nay đã đạt được gần 3,8 triệu hecta của toàn vùng, đạt gần 24 triệu tấn của vùng ĐBSCL. Tính đến thời điểm hiện tại, xuất khẩu gạo của Việt Nam gần 6 triệu tấn, với giá trị 3,17 tỷ USD. Bên cạnh đó, ngành hàng rau quả là vùng chiếm tỷ trọng sản xuất rau quả xuất khẩu rất lớn, riêng rau quả đã đạt xuất khẩu 3,5 tỷ USD. Chúng tôi dự kiến gạo và trái cây là hai mặt hàng rất có tiềm năng và sẽ đạt kỷ lục vào năm 2023”, Thứ trưởng Hoàng Trung thông tin.
Xuất khẩu gạo của nước ta năm nay được dự báo sẽ đạt kỷ lục mới khi vừa tăng về sản lượng, vừa tăng về giá trị xuất khẩu. Nhận định thị trường lúa gạo sẽ tiếp tục nóng từ nay đến cuối năm và sang đầu năm tới. Chính vì thế, sản xuất vụ Đông Xuân vụ lúa lớn nhất trong năm ở vùng ĐBSCL đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục thắng lợi cho người dân, doanh nghiệp.