Dự thảo Luật cạnh tranh: Cần có cơ quan quản lý cạnh tranh độc lập
VOV.VN - Điều này đảm bảo tính khách quan trong điều tra, xử lý các vụ việc cạnh tranh cũng như bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.
Cần quy định mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh độc lập để đảm bảo tính khách quan trong điều tra, xử lý các vụ việc cạnh tranh cũng như bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng. Đây là ý kiến của nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi thảo luận Dự thảo Luật cạnh tranh (sửa đổi) trong phiên họp sáng 14/9.
Qua tổng kết 12 năm thi hành Luật Cạnh tranh cho thấy, những hạn chế trong mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh hiện hành là một trong những nguyên nhân dẫn tới những bất cập trong thực thi pháp luật về cạnh tranh.
Dẫn chứng nghiên cứu trong nhiệm kì Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, thời điểm đó có 12 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu với tổng thị phần chiếm tới 90%, riêng Petrolimex chiếm 60%.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh trình bày tờ trình về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). (Ảnh: Báo Công lý) |
Tuy nhiên, hạn chế của Luật quản lý cạnh tranh lúc đó là cơ quan chủ quản của Petrolimex và Cục quản lý cạnh tranh đều là Bộ Công Thương nên không có cuộc điều tra nào được thực hiện.
Do vậy, theo bà Lê Thị Nga, cần quy định mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh phải độc lập với Bộ chủ quản, đảm bảo tính khách quan trong điều tra, xử lý các vụ việc cạnh tranh. Có như vậy mới bảo vệ tốt được quyền lợi của người tiêu dùng.
Đặc biệt, khi Bộ Công Thương đang còn là cơ quan chủ quản của một số doanh nghiệp lớn, lâu nay tình trạng tách chủ quản ra khỏi quản lý nhà nước kèm theo đó là lợi ích nhóm, sân sau, là bắt tay ngầm.
Một trong những điều này liên quan đến tính độc lập về thể chế quản lý cạnh tranh, nhưng lại sửa đổi theo hướng vừa trở thành cơ quan cạnh tranh quốc gia, vừa là Cục quản lý cạnh tranh cũ lại vừa là người tiến hành tố tụng.
“Với cơ chế lùng nhùng giữa quản lý nhà nước, vừa làm tố tụng cạnh tranh lại vừa là chủ quản của các doanh nghiệp liệu cơ chế này có giải quyết được tất cả bất cập thời gian vừa qua hay không?”, bà Nga phân tích.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, qua nghiên cứu đa phần ở các nước, cơ quan quản lý cạnh tranh đều trực thuộc Chính phủ. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Công Thương vừa là cơ quan xây dựng chính sách, thực thi pháp luật lại vừa là cơ quan chủ quản của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Luật sửa đổi lần này đã xây dựng những nguyên tắc cơ bản để đảm bảo mức độ độc lập tương đối của cơ quan quản lý cạnh tranh. Trong các điều khoản cụ thể của Dự thảo Luật đã đảm bảo xây dựng những cơ chế, những nguyên tắc cơ bản để đảm bảo sự vận hành và tư cách pháp lý của cơ quan, đảm bảo mức độ độc lập tương đối và đảm bảo sự công bằng trong hoạt động của cơ quan đó.
“Trong những khuôn khổ của dự thảo luật cho phép có được mức độ tương đối trong đảm bảo tách bạch giữa quản lý nhà nước với quản trị doanh nghiệp; quản lý nhà nước của cơ quan quản lý về cạnh tranh với lại các hoạt động của bộ chủ quản với doanh nghiệp cũng như quản lý nhà nước trong các lĩnh vực đó”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ.
Điểm sửa đổi đáng chú ý trong Dự thảo Luật là đã quy định phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với Luật hiện hành. Theo đó, không chỉ giới hạn hành vi hạn chế cạnh tranh được xác lập, thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam mà còn điều chỉnh cả những hành vi hạn chế cạnh tranh thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc là có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường nước ta./.
Vì sao phải sửa Luật Cạnh tranh?