Đưa hàng Việt về nông thôn cần một chiến lược dài hơi

Để chiếm lĩnh thị trường Việt Nam đầy tiềm năng, doanh nghiệp hàng Việt phải có chiến lược nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ uy tín, giá cả phù hợp…

Thời gian qua, chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” đã hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp phát triển thị trường nội địa và góp phần đáng kể trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.  Tuy nhiên, để phát triển thị trường đầy tiềm năng này, các doanh nghiệp hàng Việt cần phải có chiến lược đầu tư dài hơi và bài bản hơn.

Người Việt đang tiếp cận nhiều hơn tới hàng Việt

Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng Hàng Việt Nam”, những năm gần đây, nhiều chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã được các sở công thương, trung tâm xúc tiến thương mại, hay các hiệp hội của các tỉnh, thành trên cả nước tổ chức.

Đến nay, người dân ở các vùng nông thôn đã khá quen thuộc với chương trình này. Các sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Việt được bày bán bắt mắt, thông tin sản phẩm đầy đủ, phong phú, đa dạng, giá cả thấp hơn thị trường từ 5-10%, chất lượng sản phẩm tốt, phù hợp thị hiếu chính là những ưu điểm nổi bật, thu hút được người tiêu dùng ở nông thôn.

Bà Nguyễn Thị Xuyên, ở thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Từ khi có chương trình về nông thôn, người dân ở đây rất vui, họ đến tìm hiểu sản phẩm rất đông rồi mua về dùng. Bây giờ hàng Việt Nam có chất lượng rất tốt và giá cả hợp túi tiền của mình nên dễ mua. 

Với các doanh nghiệp, việc tham gia bán hàng tại nông thôn lý do chính không phải là doanh số mà điều quan trọng là nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của người dân để xây dựng mạng lưới phân phối, phát triển thị phần tại khu vực nông thôn. Còn với người tiêu dùng nông thôn thì được tiếp cận nhiều hơn với những sản phẩm mang thương hiệu Việt chất lượng cao, giá cả phù hợp. 

Bà Đinh Thị Hiền, ngụ tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Tôi thường xài hàng Việt Nam nhiều hơn, vì hàng Việt Nam đẹp mắt, dễ nhìn mà chất lượng lại cao. Thành ra xài hàng Việt Nam phù hợp với mọi người nhất và chắc là mọi người sẽ ủng hộ hàng Việt nhiều thôi”.

Rất nhiều người dân vùng nông thôn sau một thời gian tham gia các phiên chợ hàng Việt đã có thông tin đầy đủ về những sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất và ngày càng tin tưởng, ưa chuộng sản phẩm mang thương hiệu Việt. Đó cũng chính là lý do mà hiện nay số lượng hàng Việt đã chiếm hơn 80% sản phẩm được bày bán tại các chợ ở nông thôn, tập trung chủ yếu ở các nhóm hàng: lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm...

Với các doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng đình đốn do lượng hàng tồn kho nhiều thì việc tham gia các phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” không chỉ là giải pháp tốt góp phần giúp doanh nghiệp trước mắt vừa giải phóng được hàng hóa mà về lâu dài là để xây dựng niềm tin, và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của mình tại khu vực thị trường vốn rất tiềm năng này.

Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc Đối ngoại Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết: “Thực tế qua cuộc vận động Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, người tiêu dùng đã quay sang sử dụng rất nhiều sản phẩm trong nước, đặc biệt là sản phẩm của Vinamilk. Chính vì vậy, doanh số của chúng tôi tăng trưởng 40% so với cùng kỳ, sản lượng cũng tăng 40%. Đó là những tín hiệu tốt để cuộc vận động hàng Việt đi vào thực tế cuộc sống và thấy rằng người Việt đã tin dùng hàng Việt, vì chất lượng không thua kém hàng ngoại mà giá cả hợp lý”.

Doanh nghiệp Việt cần có chiến lược

Sau nhiều lần tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, các doanh nghiệp cũng thừa nhận đây thực sự là thị trường tiềm năng. Song để chiếm lĩnh được thị trường này thì doanh nghiệp cần có chiến lược rõ ràng trong việc liên kết mạng lưới phân phối giữa các tỉnh, thành đến các huyện vùng sâu, vùng xa... và chọn thị trường mục tiêu mà doanh nghiệp cần đầu tư.

Cùng với đó là thường xuyên nâng cao chất lượng, đổi mới về mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm để đưa hàng về nông thôn theo đúng thị hiếu của từng vùng và phù hợp với thu nhập của người tiêu dùng nông thôn.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền- Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần May 10 thì cần mở rộng khái niệm ưu tiên dùng hàng Việt. Bởi theo bà, việc người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam hiện nay chúng ta mới chỉ hiểu ở một khía cạnh rất hẹp là sử dụng các sản phẩm hoàn thành của Việt Nam. “Nhưng tôi muốn nhấn mạnh thêm một ý, người Việt Nam nên ưu tiên dùng sản phẩm hoặc các chuỗi cung ứng của Việt Nam. Các doanh nghiệp cũng luôn luôn phải phấn đấu để chất lượng, dịch vụ của mình càng ngày càng tốt hơn để người tiêu dùng ngày càng yêu mến hơn”- bà Huyền nhấn mạnh.

 Bắt đầu từ tháng 3/2010 mở phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” đầu tiên đến nay, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đã tổ chức được hơn 80 phiên chợ Hàng Việt rộng khắp cả nước. Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm cũng là người nhiều năm đồng hành với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn cho biết: Những năm qua, chương trình Hàng Việt về nông thôn đã góp phần rất lớn trong việc giúp các doanh nghiệp khẳng định thương hiệu, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng.

“Theo tôi, phải có một chương trình tập trung giải quyết niềm tin của người tiêu dùng, của người sản xuất và của tiểu thương đối với việc mình phải chiếm lĩnh một khúc thị trường rất là lớn. Và chúng tôi đã làm việc với sở công thương các tỉnh, các ban quản lý chợ để không phải đưa hàng tới một lần mà giải quyết luôn vấn đề của ba đối tượng này”- bà Hạnh cho biết.

Các chuyên gia thị trường cũng cho rằng: khách hàng nông thôn đa phần là những khách hàng trung thành nhất khi họ đã tin dùng một sản phẩm nào đó của doanh nghiệp. Do vậy, khi doanh nghiệp khẳng định được thương hiệu và tạo được lòng tin đối với người dân nông thôn, chắc chắn thương hiệu sẽ tồn tại, phát triển bền vững. Chỉ khi nào làm được điều này thì các doanh nghiệp Việt Nam mới có thể chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với những mặt hàng ngoại nhập, hàng giá rẻ, không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nhập lậu tràn lan như hiện nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên