Đưa mắc ca thành cây công nghiệp chiến lược tại Tây Nguyên
VOV.VN -Hội thảo đã thống nhất về định hướng đưa cây mắc ca trở thành cây công nghiệp chiến lược mới.
Sáng nay (7/2), tại thành phố Đà Lạt, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức đã tổ chức hội thảo chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên.
Dự hội thảo có Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban kinh tế Trung ương và đông đảo các chuyên gia kinh tế, chuyên gia nông nghiệp, các doanh nghiệp trong, ngoài nước.
Hội thảo đã tập trung thảo luận các vấn đề về thực trạng và tiềm năng để phát triển cây mắc ca tại Việt Nam, nhất là vùng Tây Nguyên và Tây Bắc, công tác quy hoạch để đảm bảo phát triển bền vững, tình hình sản xuất và thị trường tiêu thụ các sản phẩm mắc ca trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế, vai trò của Hiệp hội mắc ca Việt Nam, các khả năng phát triển tín dụng, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân.
Đặc biệt, hội thảo còn đề cập đến chiến lược và các giải pháp, kiến nghị cho phát triển cây mắc ca tại Lâm Đồng cũng như nhân rộng cho toàn vùng Tây Nguyên, trong bối cảnh tái cơ cấu nông nghiệp và hình thành chuỗi giá trị các cây công nghiệp chủ lực trên địa bàn Tây Nguyên.
Tại hội thảo, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Him Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, cho biết trong 5 năm tới, đơn vị sẽ bố trí 22.000 tỷ đồng để phục vụ dự án phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên, đồng thời cam kết sẽ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp vay vốn dài hạn và ưu đãi.
Ông Dương Công Minh nói: “Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã có chủ trương sẽ cấp tín dụng trung và dài hạn cho phát triển cây mắc ca với lãi suất phù hợp để người dân sản xuất. Theo tính toán của dự án là khoảng 6 năm là có thể thu hồi vốn, nhưng chúng tôi sẽ cấp tín dụng từ 10 đến 15 năm. Chúng tôi cũng sẽ mua bảo hiểm nông nghiệp cho các hộ trồng cây mắc ca. Người dân trong trường hợp rủi ro, thì công ty bảo hiểm chịu toàn bộ, tức là người dân không mất gì. Sau hội thảo này, chúng tôi sẽ xúc tiến xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm hạt mắc ca tại Lâm Đồng. Đây được xem như là cam kết của người đứng ra khởi xướng của chương trình này”.
Tính đến thời điểm này, các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã triển khai trồng được khoảng 1.600ha cây mắc ca, trong đó dẫn đầu là tỉnh Đắk Lắk với 800ha, kế đến là Đắk Nông 600ha và Lâm Đồng 400ha, chủ yếu là trồng xen canh cà phê.
Phát biểu kết luận tại hội thảo, Đại tướng Trần Đại Quang nhận định, cây mắc ca đã phát triển tốt tại Lâm Đồng, Đắk Lắk và Đắk Nông, bước đầu đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Với cơ sở khoa học, thực tiễn trồng thử nghiệm, nhu cầu trong nước và thế giới về hạt mắc ca, chúng ta đi đến thống nhất về định hướng đưa mắc ca trở thành cây công nghiệp chiến lược mới nhằm phát triển kinh tế-xã hội khu vực Tây Nguyên./.