Cơn sốt mắc ca ở Tây Nguyên: Thực hay ảo?

Đừng để mắc ca trở thành mắc nợ

VOV.VN - Ở Tây Nguyên, nhiều người dân trồng mắc ca hiện đang rơi vào cảnh ngộ “Bỏ thì thương, vương thì tội”.

Cùng loạt bài:

>> Bài 2: Nhộn nhạo thị trường cây giống mắc ca
>> Bài 1: Có phải cây mắc ca trồng chơi ăn thật?

Nhiều người dân ở Tây Nguyên đang chạy theo phong trào phát triển cây mắc ca một cách ồ ạt, bất chấp khí hậu, thổ nhưỡng từng tiểu vùng có phù hợp cho loại cây này hay không? Và, sản phẩm sau này sẽ tiêu thụ như thế nào vẫn là điều mờ mịt.

Trong khi thực tế một số người dân trồng mắc ca hiện đang rơi vào cảnh ngộ “Bỏ thì thương, vương thì tội” bởi cây đã ra hoa nhưng đậu quả rất ít, thậm chí không có quả.

Cuối năm 2014, tỉnh Đắc Nông đã phê duyệt đề án quy hoạch phát triển cây mắc ca tại huyện Tuy Đức. Theo đó, đến năm 2020, diện tích mắc ca ở đây sẽ lên đến 14.600 ha, tập trung tại 5 xã Quảng Tân, Quảng Trực, Quảng Tâm, Đắk Búk So và Đắk R’tíh với các hình thức trồng xen, trồng tập trung và phân tán.

Theo đề án này, Tuy Đức sẽ xây dựng hai vườn ươm để cung ứng giống cho người dân; xây dựng một nhà máy chế biến các sản phẩm từ cây mắc ca tại cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện. Với người dân thì sẽ được hỗ trợ vay vốn đầu tư, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Lỗ hổng của đề án này là chưa đề cập loại giống nào là phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Tuy Đức và cũng không hề nói đến việc sẽ tiêu thụ sản phẩm thế nào.

Nhiều cây mắc ca ra  hoa chi chít cành nhưng tỷ lệ đậu quả rất thấp

Thực tế, một số người dân ở các huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, Đắc Min, tỉnh Đắc Nông và huyện Lắc, tỉnh Đắc Lắc trồng mắc ca giờ đang bắt đầu bồn chồn lo lắng; cũng không ít người đã ngậm đắng nuốt cay. Bởi, đã đổ tiền và công sức vào mắc ca hơn 7 năm ròng mà cây không đậu quả.

Vườn mắc ca của gia đình ông Vũ Tá Trọng, ở xã Đắc Nia, thị xã Gia Nghĩa đã bước sang tuổi thứ 6. Trên diện tích cà phê hơn 1 ha, ông Trọng trồng xen 500 cây mắc ca, tỷ lệ sống đạt 96%. Hiện cây đã cao tới 4-5 mét, hoa chi chít cành nhưng tỷ lệ đậu quả rất thấp. Chưa dám nghĩ đến lãi năm, lãi mười với cây tỷ đô, ông Tá băn khoăn không biết đến khi nào mới thu hồi được vốn.

Ông Hồ Gấm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắc Nông cho biết: Qua khảo sát tại xã Đức Minh, huyện Đắc Min, những vườn mắc ca đã trồng cách đây 9 năm cho trái rất ít.

Ông Gấm cho hay, hiện giờ giống Bộ nông nghiệp đã có 3 giống công nhận và 7 giống là loại giống tiến bộ kĩ thuật. Trong số những giống đó thì giống nào là nó phù hợp ở từng vùng của Đắc Nông thì vẫn chưa có đánh giá.

Trước “sức nóng” của cây mắc ca trên địa bàn, ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum đã vào cuộc và nhận định: cây mắc ca chỉ có thể phù hợp với điều kiện sinh thái vùng Măng Đen- Kon Plông và một số xã thuộc huyện Tu Mơ Rông và Đắc Glei. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có kết quả đánh giá chính thức nào về tình hình sinh trưởng, năng suất và sâu bệnh của loại cây này.

Do vậy, ông Trần Văn Chương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kon Tum cũng chỉ khuyến cáo cáo bà con nên trồng xen đối với diện tích cà phê vối hoặc là cà phê chè. “Nếu mà trồng thuần phải xem xét cụ thể bởi vì thời gian kiến thiết cơ bản của cây mắc ca tương đối dài mà bây giờ không biết khả năng ra quả như thế nào và sau này thị trường tiêu thụ ra sao? Nếu phát triển nóng quá rất nguy hiểm,” ông Chương nói.

Tiến sĩ Y Ghi Niê, đoàn Chủ tịch Liên hiệp các hiệp hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, phụ trách các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên là một trong những người đưa cây mắc ca vào trồng thử nghiệm ở Đắc Nông và Đắc Lắc khẳng định: Chỉ nên dừng lại ở một diện tích hẹp để khảo nghiệm chứ không thể phát triển đại trà như hiện nay. Bởi theo Niê, mắc ca là cây dễ trồng nhưng rất mẫn cảm với thời tiết, khi cây ra hoa, chỉ cần một cơn mưa nhỏ hay do một đợt nắng nóng là mất trắng.

Tình trạng sản xuất nông nghiệp theo “phong trào” ở Tây Nguyên từ trước tới nay đã dẫn đến những hậu quả nặng nề, mọi chuyện rủi ro người nông dân đều phải gánh chịu. Khi cà phê có giá thì ào ạt lập vườn trồng cà phê. Lúc cao su được giá thì chặt bỏ các loại cây khác, chặt cả rừng nguyên sinh trồng cao su.

Hiện tại, cao su hạ giá lại phá vườn cao su... Cây ca cao, cây tiêu, dó bầu…và cả cây mía cũng thất thường khi trồng khi chặt. Mới đây, phong trào trồng chanh leo rầm rộ cũng đang để lại những gánh nặng nợ nần cho nhiều hộ gia đình ở tỉnh Đắc Nông. Rồi việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cách đây chục năm cũng đang là bài học để đời của tỉnh Đắc Lắc. Hơn 10 ngàn ha rừng vùng biên giới Ea Súp chuyển sang đất nông nghiệp để phát triển 9.000 ha điều, nay gần như thất bại. Dẫn đến trình trạng phá bỏ vườn điều, tranh chấp đất đai khiến mấy xã vùng sâu, vùng xa này trở thành điểm nóng xã hội.

Bởi vậy, trong chuyến công tác tại Tây Nguyên gần đây, sau khi kiểm tra thực tế tại vườn ươm cây giống mắc ca ở xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu: cần phổ biến cho người dân biết để khi chọn giống bởi vì đầu tư rất nhiều tiền như thế, mất 8 năm, thậm chí 10 năm mới thu hoạch, mà không chọn đúng chủng loại thì sẽ rất nguy hiểm.

Theo khảo sát của Viện Khoa học kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên, diện tích cây mắc ca ở khu vực này hiện nay đã hơn 2.000 ha, trong đó chủ yếu tập trung ở các tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng. Tuy nhiên trên thực tế, diện tích đó chưa hẳn đã là con số thực. Bởi hàng vạn cấy giống được bà con trồng theo hình thức phân tán chưa được thống kê.

Để có một ha mắc ca, cần số tiền trên 20 triệu đồng để mua cây giống. Rồi phải bón phân, chăm sóc suốt quãng thời gian 6 đến 10 năm mới biết được cây có ra quả được không là một quãng thời gian khá dài. Trong khi, sản phẩm làm ra còn mịt mờ về khâu tiêu thụ. Làm gì để người dân không phải mắc nợ vì cây mắc ca? Câu hỏi này cần được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các nhà chuyên môn và các cấp chính quyền ở các tỉnh Tây Nguyên tìm lời giải đáp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Có phải mắc ca trồng chơi, ăn thật?
Có phải mắc ca trồng chơi, ăn thật?

VOV.VN - Cây mắc ca bỗng dưng biến thành “cây tỷ đô”, vì thế, phong trào trồng mắc ca ở Tây Nguyên đang bùng phát như cơn sốt.

Có phải mắc ca trồng chơi, ăn thật?

Có phải mắc ca trồng chơi, ăn thật?

VOV.VN - Cây mắc ca bỗng dưng biến thành “cây tỷ đô”, vì thế, phong trào trồng mắc ca ở Tây Nguyên đang bùng phát như cơn sốt.