Dung Quất trích 1.500 tỷ đồng/năm đầu tư phát triển hạ tầng

Mỗi năm thu ngân sách từ Khu kinh tế Dung Quất đạt 15.000-16.000 tỷ đồng và Khu kinh tế xin khoảng 10% từ tổng thu đó để xây dựng hạ tầng đến 2015.

Theo mục tiêu đề ra đến năm 2015, Khu kinh tế Dung Quất sẽ thu hút 13 tỷ USD vốn đầu tư, thu ngân sách khoảng 16.000 tỷ đồng và Quảng Ngãi sẽ đứng vào top 10 tỉnh thành có mức thu ngân sách cao nhất cả nước.

Ông Cao Khoa – Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Trong giai đoạn từ nay đến năm 2015 cần 7.500 tỷ đồng để đầu tư phát triển hạ tầng Dung Quất. Để có nguồn lực này chúng tôi quan niệm phải đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư chứ không thể dựa vào ngân sách. Để khai thác nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế thì chúng tôi phải có chính sách khuyến khích chủ đầu tư, tạo điều kiện để các nhà đầu tư thấy rằng khi người ta tham gia vào hạ tầng thì cũng thu được lợi nhuận.

Trong vấn đề này, theo ông Cao Khoa, Quảng Ngãi có quan điểm cái gì có lợi cho nhà đầu tư và cho tỉnh thì để nhà đầu tư làm còn lại ngân sách sẽ làm. Trong việc phân bổ nguồn lực đầu tư cho Khu kinh tế Dung Quất thì trách nhiệm của tỉnh vẫn phải thực hiện nhưng không đủ.

“Cho nên hiện nay chúng tôi đang đề nghị Chính phủ hỗ trợ có mục tiêu từ nguồn thu nhà máy lọc dầu Dung Quất cho việc đàu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Khu kinh tế Dung Quất và giải quyết một số vấn đề quan trọng về an sinh xã hội trong tỉnh nói chung” – ông Khoa nói.

Chính phủ cũng đã có văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành trung ương và Thủ tướng Chính phủ lưu ý Quảng Ngãi cần có đề xuất của các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính về cơ chế cũng như nguồn từ đâu.

“Chúng tôi xin cơ chế cụ thể như sau. Mỗi năm thu ngân sách từ Khu kinh tế Dung Quất 15.000-16.000 tỷ đồng và chúng tôi xin khoảng 10% từ tổng thu đó, khoảng 1.500 tỷ đồng/năm, từ nay đến năm 2015. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng thu lớn hơn thì chúng tôi cũng xin tăng hơn, tức khoảng 2.000 tỷ đồng/năm” – ông Cao Khoa tính toán.

Còn đối với nhà đầu tư thì cần áp dụng các hình thức đầu tư hợp lý trong điều kiện kinh tế hiện nay, mà cụ thể là trong Khu kinh tế Dung Quất. Ví dụ như hình thức BOT thì tôi nghĩ nhà đầu tư sẽ không thực hiện, chỉ có thể là BT hoặc PPP. Với hai hình thức này tương đối phù hợp với nhà đầu tư và chúng tôi có thể làm được.

Hiện Quảng Ngãi đang làm việc với một số nhà đầu tư nghiên cứu áp dụng hình thức này. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cần có sự quan tâm để cơ chế đầu tư theo hình thức PPP có thể thực hiện được trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nói chung và Khu kinh tế Dung Quất nói riêng.

Theo ông Vũ Đại Thắng - Vụ trưởng quản lý các Khu Kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Thủ tướng Chính phủ đã điều chỉnh quy hoạch KKT Dung Quất, mở rộng quy mô lên gấp 4,5 lần và chủ yếu là mặt biển. Việc mở rộng như vậy tạo điều kiện để Quảng Ngãi và trực tiếp là BQL KKT rộng cửa hơn trong việc thu hút đầu tư.

Ngay khi Thủ tướng Chính phủ chấp nhận mở rộng thì đã có thêm rất nhiều nhà đầu tư lớn tìm đến Dung Quất, Tập đoàn Sembcorp (Singapore) đang xúc tiến đầu tư một nhà máy nhiệt điện. Sắp tới, một KCN Việt Nam – Singapore thứ 5 tại Việt Nam sẽ được xây dựng tại đây./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên