Đường sắt Cát Linh- Hà Đông: Văn minh, an toàn hay bất an, thất tín?

VOV.VN -Nhiều sự cố, án phạt và thương vong về con người liên quan đến "đại công trình"  này khiến người ta phải đặt câu hỏi về trách nhiệm cụ thể?

>> Xe bus sụt hố ga ngay sát hiện trường vụ sập giàn giáo
>> Phân luồng giao thông tuyến đường vụ sập giàn giáo ở Hà Đông
>> Khám nghiệm hiện trường vụ sập giàn giáo Dự án đường sắt Hà Nội

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt nhẹ đi trên cao (cầu cạn) phục vụ vận tải hành khách công cộng với chiều dài 13,05km, xuất phát từ khu vực nút giao Cát Linh - Giảng Võ. Chủ đầu tư dự án là Cục Đường sắt Việt Nam, nhà thầu là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc.

Tuyến đường sắt đô thị này được chọn làm công trình trọng điểm Quốc gia, mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Dự án có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển giao thông cũng như kinh tế, xã hội của Thủ đô Hà Nội. Tổng mức đầu tư của dự án là một con số khổng lồ lên đến 552 triệu USD.

Tổng mức đầu tư của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông là một con số khổng lồ lên đến 552 triệu USD.

Ngày 10/10/2011, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức phát lệnh khởi công xây dựng Depo và toàn tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông. Bên cạnh đó công trình tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông sẽ được thi công theo phương thức xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông kết hợp với kinh doanh vận tải, cơ chế tài chính chưa có tiền lệ, công nghệ mới lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, sau 4 năm thi công công trình, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Nội dường như chưa đáp ứng được sự mong đợi mà thay vào đó là liên tiếp những sự việc lùm xùm liên quan đến “đại công trình” này.

Chậm tiến độ, đội vốn

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ xây dựng 13km đường sắt trên cao và 1,7km đường sắt vào khu depot. Thời gian thực hiện dự án được phê duyệt từ tháng 11/2008 đến 11/2013. Do nhiều vướng mắc, đến tháng 10/2011 dự án mới được khởi công. Theo kế hoạch ban đầu, tuyến đường sắt này sẽ khai thác vào quý II/2015, sau đó tiếp tục được gia hạn đến tháng 12/2015. Tuy vậy, đến nay, chủ đầu tư thừa nhận, mục tiêu hoàn thành vào năm 2015 là không thể thực hiện được. 

Không giải quyết được vấn đề mặt bằng cùng nhiều nguyên nhân khác khiến dự án bị "lụt" tiến độ và đội 339 triệu USD tiền vốn

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) - Chủ đầu tư dự án, nguyên nhân chính của việc này là do còn nhiều hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Chậm trễ trong việc xử lý mặt bằng “sạch” đồng nghĩa với việc thời gian thực hiện dự án bị kéo dài và chi phí phát sinh gia tăng. Tổng cộng, dự án tàu điện Cát Linh - Hà Đông đã được Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh mức đầu tư từ 552 triệu USD lên tới 891 triệu USD, tức là “đội thêm” 339 triệu USD.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Quyền Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cam kết sẽ không làm phát sinh thêm tổng mức đầu tư của dự án.

Cũng sau sự kiện này, Bộ GTVT đã nhờ Kiểm toán Nhà nước đánh giá toàn bộ quy trình thực hiện dự án, căn cứ từng hạng mục cụ thể làm rõ, yêu cầu các bên liên quan giải trình, từ đó quy trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân. Trước nhiều lo ngại về việc công trình vừa “lụt” tiến độ vừa bị đội vốn, ông Nguyễn Mạnh Hùng cam kết sẽ không làm phát sinh thêm tổng mức đầu tư của dự án.

Liên tiếp đình chỉ và những án kỷ luật

Vào hồi 11h00 trưa ngày 5/11/2014, tại điểm thi công trụ khu gian GR05 thuộc dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, trong lúc đang thi công thì gặp sự cố tuột ống dẫn vữa khiến vữa xi măng rơi xuống đường làm ảnh hưởng đến người tham gia giao thông. Ngay sau khi biết thông tin về vụ việc, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt, đơn vị thi công khẩn trương khắc phục sự việc. Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt đã xuống tận hiện trường gặp gỡ và xin lỗi 2 người dân bị vữa bắn vào.

Vụ tai nạn khiến một người tử vong và 2 người khác bị thương trong ngày 6/11/2014

Đúng 1 tháng sau đó (tức ngày 6/11/2014), tiếp tục xảy ra một vụ tai nạn liên quan đến việc thi công công trình đướng sắt trên cao, khiến 1 người tử vong. Nạn nhân tử vong được xác định là anh Nguyễn Như Ngọc, sinh năm 1987, trú tại Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội.

Vào thời điểm xảy ra tai nạn,  một thanh sắt lớn từ công trường thi công đường sắt trên cao đã lao xuống đường. Thanh sắt đè lên 3 xe máy đang lưu thông trên đường Nguyễn Trãi (theo hướng Hà Nội – Hà Đông). Hậu quả, anh Ngọc tử vong tại chỗ. Hai người đi trên chiếc xe máy bên cạnh bị thương. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã ra lệnh đình chỉ toàn bộ công trình nơi xảy ra sự việc.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông trực tiếp kiểm tra tại hiện trường và trả lời báo chí

Ngày 7/11/2014, trong cuộc họp về Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bộ  trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đề nghị kỷ luật ông Phạm Dũng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 (Cienco1).   

Đến ngày 13/11/2014, Thứ trưởng  GTVT Nguyễn Hồng Trường vừa ký công văn hỏa tốc gửi Ban Quản lý dự án đường sắt về kế hoạch triển khai lại Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Vào rạng sáng ngày 28/12/2014, tại công trình thi công đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông lại tiếp tục xảy ra vụ sập giàn đỡ tại hạng mục kết cấu phần trên ga bến xe Hà Đông. 

Sập giàn đỡ tại hạng mục kết cấu phần trên ga bến xe Hà Đông. 

Trong quá trình thi công đổ bê tông (đoạn nhà ga đối diện bến xe Hà Đông cũ hướng đi Hà Đông, do nhà thầu thi công Công ty Vinacontech nhà thầu Việt Nam thi công) không chịu được sức nặng đã khiến 2 nhịp đỡ bị đổ sập hoàn toàn. Khi xảy ra sự cố sập giàn đỡ, phía dưới đường có 1 taxi hãng Quê Lụa bị đè bẹp dúm. Trên xe khi đó có 4 người. Tài xế taxi là Nguyễn Bá Dương (SN: 1974, Dương Nội, Hà Đông) cùng 3 hành khách khác đã may mắn thoát chết. 

Đề cập đến nguyên nhân ban đầu dẫn tới sự cố này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đánh giá là do giàn giáo bị dịch chuyển, khi đổ bê tông, mất khả năng chịu lực dẫn đến sập hệ thống sàn.

Chỉ có may mắn mới khiến 4 người trên xe thoát khỏi "lưỡi hái của tử thần"

Ngay sau khi xem xét và đánh giá tình hình, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Văn Bảo - Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý đường sắt thuộc Cục Đường sắt Việt Nam, ông Bảo là người trực tiếp theo dõi và giám sát thi công nhưng đã để xảy ra sự cố. Nhà thầu thi công là Công ty Vinacontech (nhà thầu Việt Nam) là nhà thầu phụ của Tổng thầu EPC (Trung Quốc) tại dự án này cũng đã bị đình chỉ thi công để điều tra sự cố.

Quá nhiều những sự cố, án phạt và cả tính mạng con người đã mất trong việc thi công "đại công trình" này

Mỗi lần đi ngang qua các điểm công trường, người tham gia giao thông đều có thể dễ dàng nhìn thấy dòng khẩu hiệu: “Xin lỗi chúng tôi đã làm phiền bạn”. Nhưng chất lượng thực sự của lời xin lỗi đó đến đâu? Câu trả lời xin được nhường lại cho những người có trách nhiệm. Một “đại công trường” văn minh, an toàn đương nhiên khó hơn hẳn một “đại công trường” với những sự bất an, thất tín và nguy hiểm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên