Đường sắt đô thị Hà Nội liệu có một BRT lặp lại?
VOV.VN - Từ thực tế đội vốn, chậm tiến độ và mịt mờ ngày về đích... dư luận không khỏi lo ngại cho số phận dự án đường sắt đô thị mà Hà Nội đang triển khai.
Trước thực trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng, nhiều tuyến đường bị “bóp nghẹt” bởi chung cư, nhà cao tầng, Hà Nội “tính” đột phá vào loại hình vận tải công cộng như buýt nhanh BRT, đường sắt đô thị... Tuy nhiên, sau hơn 2 năm đi vào vận hành, khai thác buýt nhanh BRT đã không đáp ứng được mục tiêu kỳ vọng ban đầu. Từ thực tế quá nhiều lùm xùm như đội vốn, chậm tiến độ và mịt mờ ngày về đích... dư luận cũng không khỏi lo ngại cho số phận dự án đường sắt đô thị mà Hà Nội đang triển khai.
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên VOV có loạt phóng sự “Đường sắt đô thị Hà Nội liệu có một BRT lặp lại?” Phần đầu của loạt phóng sự có tựa đề: “BRT - thất bại cuộc thử nghiệm 1.000 tỷ đồng”.
Xe buýt nhanh chưa đạt được mục tiêu ban đầu của nhà chức trách đặt ra khi triển khai xe buýt nhanh trong thành phố |
Dự án buýt nhanh BRT là một hợp phần trong dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt năm 2007, từ vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới. Sau 6 năm điều chỉnh, đến năm 2013 dự án buýt nhanh BRT01 (Kim Mã - Yên Nghĩa), tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng chính thức khởi công và đưa vào sử dụng cuối năm 2016.
Là người luôn tham gia giao thông bằng xe buýt, trong đó có tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa, ông Trần Văn Luân (trú tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) cho rằng, giữa buýt nhanh và buýt thường không có nhiều khác biệt, nếu so sánh sự tiện ích, số lượng hành khách và thời gian di chuyển. Giao thông lộn xộn trên trục đường Tố Hữu, Lê Văn Lương thường xuyên biến buýt nhanh BRT thành “xe buýt chậm”. Và tất nhiên, tình trạng lỡ chuyến, chậm giờ là điều khó tránh khỏi. Đặc biệt, qua chứng kiến lưu lượng khiêm tốn, có những chuyến chỉ lác đác một vài người trong chiếc xe công suất 90 hành khách, ông Trần Văn Luân khẳng định, đây là hình ảnh rõ nhất về việc “trượt mục tiêu” của ngành chức năng thành phố Hà Nội.
“Rõ ràng buýt nhanh BRT là có vấn đề. Bởi, xe buýt nhanh chưa đạt được mục tiêu ban đầu của nhà chức trách đặt ra khi triển khai xe buýt nhanh trong thành phố. Cá nhân tôi cho rằng có sự nóng vội trong phát triển giao thông công cộng ở Hà Nội, thiếu đi quy hoạch tổng thể cũng như định hướng có tính chất chiến lược”, ông Trần Văn Luân nói.
Số liệu của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho thấy, sau một năm đưa vào vận hành khai thác, trung bình có trên 40 hành khách/mỗi lượt/tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa. Điều đó có nghĩa là con số này mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% công suất của chiếc xe tiêu chuẩn 90 hành khách.
Từ thực tế tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, đô thị cho rằng, Hà Nội đã thất bại trong việc triển khai dự án buýt nhanh BRT. Đây là một sự lãng phí lớn cả về nguồn lực đầu tư và không gian hạ tầng. Bởi, dù được ưu tiên dành riêng một làn đường cùng các thiết bị hiện đại nhưng hiệu quả cuối cùng là công suất vận chuyển 50% cho thấy, sức hấp dẫn của buýt nhanh BRT không cao. Rõ ràng, 1.000 tỷ đồng là con số quá lớn cho một cuộc thử nghiệm bất thành trên cung đường chỉ 14 km.
“Nếu xét về tiêu chí rất nhiều tiền để đầu tư cho tuyến BRT này, chúng ta phải ưu tiên cả 1 làn xe và trong giờ cao điểm tần suất của nó cũng chẳng cao thì tôi cho rằng chưa hiệu quả. Trên thế giới có thể vận hành nhiều tuyến trên một hành lang, nhưng nhu cầu đi lại trên tuyến đấy rất cao, để đảm bảo chạy được với tần suất rất mau, chứ không phải như chúng ta đang khai thác hiện nay”, PGS.TS Đinh Thị Thanh Bình, Trưởng Bộ môn quy hoạch và quản lý, Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội đánh giá.
Liên quan đến các sai phạm cũng như hiệu quả của Dự án buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa tại Hà Nội, tháng 9/2018 Thanh tra Chính phủ đã có Kết luận làm rõ vấn đề này. Thanh tra Chính phủ đánh giá, việc đầu tư của dự án chưa đồng bộ, chưa tạo ra các lợi ích nhằm khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện vận tải công cộng. Đó là thực trạng các nhà chờ, cầu vượt cho người đi bộ chưa thuận tiện cho người sử dụng, một số nhà chờ chưa có cầu vượt đi bộ để tiếp cận, cầu vượt đi bộ chưa hỗ trợ cho người khuyết tật.
Xe buýt BRT được bố trí làn đường riêng, chiếm 1/3 mặt cắt ngang của các trục đường hiện có, nhưng tốc độ chưa đạt yêu cầu, trong khi hiện trạng lưu lượng giao thông trên tuyến rất lớn, nên thường xuyên gây ùn tắc trong giờ cao điểm.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, dù được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng dự án chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, chưa đạt mục tiêu đề ra để hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông...
Thất bại của tuyến buýt nhanh BRT lần đầu tiên được đưa vào thử nghiệm trên địa bàn Hà Nội là điều đã thấy rõ. Song, vấn đề quan trọng là ngành chức năng Hà Nội sẽ rút được bài học gì cho những dự án phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng tiếp theo, nhất là dự án đường sắt đô thị đang triển khai trên địa bàn thành phố./.
Bài viết cùng loạt bài Đường sắt đô thị Hà Nội liệu có một BRT lặp lại?
Bài 1: BRT - thất bại cuộc thử nghiệm 1.000 tỷ đồng
Bài 2: Hai loại hình cùng chung một phận?
Hà Nội sẽ tổ chức lại tuyến xe buýt nhanh (BRT) 01 như thế nào?
Buýt nhanh BRT Hà Nội: Thanh tra ra đầy rẫy sai phạm