EC quyết định gia hạn áp thuế chống bán phá giá đối với giày da Việt Nam

Với quyết định này, mức thuế chống bán phá giá đối với giày da của Trung Quốc và Việt Nam tại thị trường châu Âu sẽ tiếp tục có hiệu lực cho đến khi quá trình điều tra, rà soát kết thúc để EC đưa ra kết luận cuối cùng.

Ngày 2/10/2008, Ủy ban châu Âu (EC) đã ra quyết định sẽ gia hạn áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm giầy mũ da nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam. Với quyết định này, mức thuế chống bán phá giá đối với giày da của Trung Quốc và Việt Nam tại thị trường châu Âu sẽ tiếp tục có hiệu lực cho đến khi quá trình điều tra, rà soát kết thúc để EC đưa ra kết luận cuối cùng.

Trước đó, Liên minh giày Châu Âu đã ra thông cáo báo chí kêu gọi EC rà soát khách quan thuế chống bán phá giá giày mũ da nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam. Đồng thời thể hiện sự thất vọng trước việc Ủy ban châu Âu quyết định tiến hành rà soát cuối kỳ biện pháp áp thuế chống bán phá giá giày mũ da Trung Quốc và Việt Nam.

Liên minh này cho rằng việc rà soát đi ngược lại mong muốn của đa số nước thành viên EU và gây tổn hại cho quyền lợi của người tiêu dùng và ngành giày của chính châu Âu.

Trong phiên họp tham vấn của Ủy ban chống bán phá giá ngày 17/9/08, đã có 12/15 đại diện thương mại của nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) phản đối quyết định rà soát chống bán phá giá đối với giày mũ da của Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên EC cho biết, theo Qui định chung về chống bán phá giá, EC bắt buộc phải tiến hành quy trình rà soát một khi có yêu cầu từ phía các thành viên EU và kết quả bỏ phiếu ngày 17/9 vừa qua của đại diện thương mại các nước thành viên EU trên thực tế chỉ có giá trị tham vấn đối với EC. Trong thông cáo báo chí của mình, EC cũng cam kết sẽ khẩn trương tiến hành điều tra và đưa ra kết luận sớm nhất, dự kiến có thể sớm hơn thời hạn từ 12 đến 15 tháng theo thông lệ.

Cho đến nay, EU vẫn là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất, đứng trước Mỹ và Nhật Bản, có quan hệ truyền thống từ nhiều năm qua với ngành sản xuất giày của Việt Nam. Tuy nhiên, trong hai năm qua, giày mũ da của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu đã giảm đáng kể do bị áp thuế chống bán phá giá. Trong bối cảnh hiện nay, mức thuế này sẽ tự động có hiệu lực thêm khoảng một năm nữa. Điều này sẽ tạo ra những khó khăn đối với ngành da giày Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hơn nửa triệu lao động, mà trong đó phần lớn là phụ nữ.

Vào cuối năm 2007, EC đã đưa các sản phẩm da giày của Việt Nam ra khỏi danh sách được hưởng Quy chế Ưu đãi thế quan phổ cập (GSP) giai đoạn 2009-2011. Việc áp thuế chống bán phá giá của Ủy ban châu Âu cũng có tác động tiêu cực đến việc đánh giá của các bạn hàng, đối tác, nhà đầu tư nước ngoài đối với ngành da giày Việt Nam. Việc bãi bỏ GSP, lợi thế cạnh tranh về giá của sản phẩm da giày Việt Nam suy giảm so với các nước khác trong khu vực. Bình quân mỗi đôi giày xuất khẩu phải tăng thêm thuế nhập khẩu vào EU từ 3,5-5%. Bên cạnh đó, người tiêu dùng châu Âu sẽ là đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng lợi ích, đặc biệt đặt trong bối cảnh lạm phát kinh tế, mặt bằng sinh hoạt đang tăng cao./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên