EU và Trung Quốc chuẩn bị ký Hiệp định đầu tư sau 7 năm đàm phán
VOV.VN - Liên minh châu Âu và Trung Quốc đã đi đến những bước cuối cùng, để ký kết một hiệp định đầu tư, dưới tên gọi Hiệp định toàn diện về đầu tư (CAI).
Các nguồn tin báo chí và ngoại giao tại châu Âu khẳng định, EU và Trung Quốc đã hoàn tất Hiệp định toàn diện về đầu tư và sẽ chính thức công bố việc ký kết trong ngày hôm nay (30/12), sau cuộc hội đàm trực tuyến giữa Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Sau 7 năm đàm phán căng thẳng và có nhiều thời điểm bế tắc kéo dài, Liên minh châu Âu và Trung Quốc đã đi đến những bước cuối cùng, để ký kết một hiệp định đầu tư, dưới tên gọi Hiệp định toàn diện về đầu tư (CAI). Thông tin này được nhiều nhà ngoại giao cũng như báo chí châu Âu khẳng định, theo đó 27 nước thành viên EU tại Brussels đã xem xét dự thảo cuối cùng của Hiệp định hôm 28/12 và bật đèn xanh cho việc ký kết.
Hai bên dự định sẽ công bố chính thức việc ký kết, trong phiên hội đàm trực tuyến giữa Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra trong ngày 30/12.
Việc ký kết hiệp định đầu tư sau hơn 7 năm đàm phán phức tạp và bế tắc. được xem là thắng lợi lớn cho cả hai phía EU và Trung Quốc. Với hiệp định này, các công ty châu Âu sẽ được gỡ bỏ rất nhiều rào cản trong việc thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, trong nhiều lĩnh vực như năng lượng mới, điện toán đám mây, dịch vụ tài chính hay y tế.
Ngoài ra, theo Ủy viên phụ trách thương mại của EU, Valdis Dombrovkis, bên cạnh lĩnh vực đầu tư, một thu hoạch lớn khác của phía EU là các cam kết của Trung Quốc liên quan đến tiêu chuẩn cạnh tranh thương mại công bằng.
“Tất nhiên khía cạnh quan trọng nhất của Hiệp định này là về đầu tư nhưng còn có một lĩnh vực quan trọng khác là tiêu chuẩn cạnh tranh công bằng. Ví dụ, Hiệp định mới sẽ loại bỏ các điều kiện bắt buộc chuyển giao công nghệ, làm minh bạch hơn các khoản trợ cấp nhà nước và đơn giản hóa việc tiếp cận thị trường Trung Quốc cho các công ty châu Âu, tái cân bằng quan hệ kinh tế và đầu tư giữa châu Âu và Trung Quốc”, Ủy viên Valdis Dombrovkis cho biết.
Theo thông tin phân tích từ truyền thông châu Âu, trong Hiệp định đầu tư được ký hôm nay, châu Âu nhận được một số ưu đãi thậm chí tốt hơn so với các công ty Mỹ kinh doanh tại Trung Quốc và có thể sớm giúp châu Âu giảm bớt thâm hụt thương mại gần 170 tỷ euro mỗi năm với Trung Quốc.
Để hoàn tất được Hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc trong ngày hôm nay sau 7 năm đàm phán, giới phân tích tại châu Âu đánh giá, nguyên nhân chính dẫn tới đột phá này là việc Trung Quốc đã chấp nhận rất nhiều nhượng bộ quan trọng với châu Âu trong vài tháng qua. Bên cạnh các cam kết về cạnh tranh công bằng, Trung Quốc cũng cam kết thúc đẩy việc sớm ký kết các Công ước của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), trong đó có các chi tiết về việc bãi bỏ lao động cưỡng bức vốn đang gây ra các tranh cãi chính trị liên quan đến tình hình tại Tân Cương.
Một yếu tố quan trọng khác mang tính thúc đẩy bên phía châu Âu là vai trò của nước Đức và cá nhân Thủ tướng Đức Angela Merkel, do bà Merkel luôn xác định việc hoàn tất hiệp định với Trung Quốc là một trong các ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ chủ tịch EU luân phiên của nước Đức, sẽ sớm kết thúc vào ngày 31/12/2020.
Về phía Trung Quốc, giới phân tích châu Âu nhận định, việc ký Hiệp định với châu Âu cũng là một thắng lợi của Trung Quốc trong việc phá vỡ nguy cơ bị phương Tây cô lập, trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ tăng cao nhiều năm qua. Đặc biệt, việc ký kết thảo thuận này ngay trước thời điểm nhậm chức của Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden sẽ giúp Trung Quốc tránh được nhiều rủi ro khi các nước châu Âu chưa thiết lập được kênh đối thoại hiệu quả với chính quyền mới tại Mỹ./.