Eximbank và NHNN nói gì về vụ nợ 8,5 triệu đồng sau 11 năm thành 8,8 tỷ đồng
VOV.VN - Tại họp báo thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM chiều nay (21/3), đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã thông tin về vụ khách hàng nợ 8,5 triệu đồng sau 11 năm được yêu cầu phải trả 8,8 tỷ đồng.
Không thu phí 8,8 tỷ đồng mà sẽ tính toán hợp lý
Tại họp báo, ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ, Phó Tổng Giám đốc Eximbank lý giải, đối với sản phẩm thẻ tín dụng quốc tế, ngân hàng trước khi đưa ra chính sách về lãi và phí thì đều tham khảo các thông lệ trên thị trường cũng như các sản phẩm của các ngân hàng tương đồng và có xét đến yếu tố cạnh tranh.
Ở trường hợp của khách hàng Phạm Huy Anh nợ thẻ quá hạn đến 11 năm, quy trình thông thường thì cán bộ xử lý thẻ của ngân hàng phải căn cứ tình hình nợ để đề xuất cấp lãnh đạo một mức thu phí trước khi làm việc với khách hàng.
Tuy nhiên, lần này, cán bộ thực hiện công tác xử lý nợ đã thực hiện theo quy trình mà gửi một thông báo hết sức máy móc đến khách hàng, dẫn đến sự bức xúc của khách hàng.
Ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ khẳng định sẽ “không có chuyện ngân hàng thu phí 8,8 tỷ đồng mà sẽ tính toán mức hợp lý”: “Ngay khi sự việc xảy ra, chúng tôi rất lấy làm tiếc và đã rất tích cực làm việc với khách hàng. Sáng 19/3, đại diện của Eximbank cũng đã gặp gỡ khách hàng và cùng trao đổi thẳng thắn trên tinh thần hợp tác, thấu hiểu và chia sẻ. Các bên cùng thống nhất phối hợp giải quyết vụ việc, đảm bảo hợp tình hợp lý trong thời gian sớm nhất”.
Không để xảy ra các vụ việc “ảnh hưởng đến hình ảnh ngân hàng”
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu Eximbank xác minh vụ việc, làm việc với khách hàng và đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng cũng như ngân hàng.
Về việc tính lãi, ông Võ Minh Tuấn nhìn nhận, con số 8,5 triệu đồng sau 11 năm tăng lên 8,8 tỷ đồng, tức là tăng khoảng 1.000 lần thì “ai nghe qua đều thấy không hợp lý”. Sự không hợp lý có nguyên nhân cụ thể thì Eximbank sẽ thông tin cụ thể nhưng ông Võ Minh Tuấn cho biết ở đây là “cách tính lãi kép”. Trong các giao dịch thì giao dịch thẻ tín dụng có nhiều đơn vị tính lãi kép tức lãi chồng lãi, còn những giao dịch ngân hàng thông thường thì không được tính lãi kép.
Để không có những sự việc tương tự, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các chi nhánh, tổ chức tín dụng phải rà soát lại các khách hàng, tìm hiểu chủ thẻ nào đã lâu không sử dụng thẻ hay phát sinh các trường hợp tương tự để làm việc và tìm được sự thống nhất, thỏa thuận giữa khách hàng và ngân hàng để đảm bảo lợi ích các bên.
Khi cung cấp dịch vụ sản phẩm, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tư vấn đầy đủ các nội dung chính của sản phẩm để khách hàng nắm; phải công khai biểu phí và chỉ được thu phí theo biểu phí được công khai. Đối với lãi suất cho vay thì Chính phủ cũng như ngành ngân hàng cũng đã quy định công bố lãi suất cho vay bình quân.
“Ngân hàng hoạt động kinh doanh trên chữ tín. Nếu chúng ta để xảy ra những sự việc như thế này sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến thương hiệu và sẽ làm suy yếu cái lợi thế cạnh tranh của ngân hàng. Do vậy, ngân hàng phải hết sức quan tâm tới quyền lợi hợp pháp và chính đáng của khách hàng để giải quyết được câu chuyện là cả đôi bên cùng có lợi, cùng hợp tác để cùng nhau chúng ta thụ hưởng chia sẻ những lợi ích chung”, ông Võ Minh Tuấn cho biết thêm.