Lĩnh vực nông nghiệp đang rất “khát” vốn. Làm thế nào để hoàn thành mục tiêu thu hút 1,5 tỷ USD FDI cho nông nghiệp vào năm 2010?
Tỷ lệ đầu tư thấp
Trong thời gian qua, việc thu hút FDI đang có sự chênh lệch quá lớn giữa công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và nông nghiệp, thuỷ sản. Theo Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ KH-ĐT), 8 tháng đầu năm 2008, vốn đăng ký mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dịch vụ (23,6 tỷ USD), chiếm 50,9% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng là 22,5 tỷ USD, chiếm 48,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Số còn lại thuộc lĩnh vực nông - lâm - ngư (chỉ chiếm đến 0,5%). Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, phần lớn dự án FDI hiện nay chủ yếu tập trung vào các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và phía Bắc; các tỉnh vùng sâu, vùng xa hầu như không thu hút được dự án nào. Trong đó cả khu vực ĐBSCL rộng lớn chỉ thu hút được trên 714 triệu USD (riêng Hậu Giang chiếm 90%). Các khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, mỗi nơi thu hút chỉ vài chục triệu USD vốn đầu tư FDI.
Phần lớn doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông - lâm nghiệp là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có mức vốn thấp, khoảng dưới 2 triệu USD, thậm chí có một số doanh nghiệp có mức vốn dưới 500.000 USD. Dù đã có những chính sách ưu đãi đầu tư, ngành nông nghiệp nước ta vẫn chưa có khả năng thu hút nhà đầu tư từ các nước có nền nông nghiệp mạnh như Hoa Kỳ, Canada, Australia và các nước châu Âu.
Rủi ro nhiều, lợi ích ít
Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, tình trạng trên có một phần nguyên nhân từ việc không giải ngân được do khâu giải phóng mặt bằng chậm và thủ tục hành chính quá rườm rà, phức tạp. Theo phản ánh của các nhà đầu tư, riêng việc cấp đất đã có tới 15 - 20 thủ tục. Để có đất triển khai dự án, bình quân các doanh nghiệp phải mất thời gian từ 1 - 2 năm, thậm chí doanh nghiệp phải mất 3 - 4 năm. Một nhà đầu tư nước ngoài cho biết: “Thủ tục đầu tư rất rườm rà phức tạp, không thống nhất giữa các địa phương, thậm chí hồ sơ được duyệt ở tỉnh này nhưng khi mang một bộ hồ sơ tương tự như vậy đến tỉnh khác lại không được duyệt, điều này đã làm chậm tiến độ đầu tư của doanh nghiệp”.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nhận định: “Lĩnh vực nông nghiệp dường như đang phải đứng ngoài cuộc chạy đua quyết liệt để thu hút vốn FDI. Nguyên nhân do đầu tư vào lĩnh vực này có hệ số sinh lời thấp hơn so với các lĩnh vực, ngành nghề khác”. Một tính toán cho thấy, đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng, chế biến nông sản… thì một đồng vốn bỏ ra khó có thể thu về được 0,2 đồng tiền lời. Theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp, việc quy hoạch đất đai để xây dựng các vùng sản xuất lớn còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, tỷ lệ bảo hộ thực tế đối với nông sản chỉ dưới 3%, trong khi đó tỷ lệ này đối với hàng công nghiệp lên tới 200%. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp ngần ngại khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro này./.