FTA thế hệ mới và cơ hội tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu
VOV.VN - Trong các nước tham gia CPTPP, trình độ sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đang ở mức thấp nhất, nông sản Việt sẽ chịu một áp lực cạnh tranh rất lớn.
Nền nông nghiệp toàn cầu
Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Hiệp định CPTPP là một FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết sâu hơn so với các cam kết khi gia nhập WTO và trong các FTA mà Việt Nam đã tham gia từ trước tới nay, và được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều cơ hội cũng như thách thức to lớn cho Việt Nam.
Hiệp định CPTPP mở ra một sân chơi mới với quy mô thị trường chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân. Doanh nghiệp Việt cần tận dụng tốt các cơ hội do thị trường này mang lại cũng như chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ở một sân chơi mới.
Bà Phạm Quỳnh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam cam kết một biểu thuế chung cho tất cả các nước CPTPP. Theo đó, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 66% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và 86,5% số dòng thuế sau 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại có lộ trình giảm thuế chủ yếu từ 5 đến 10 năm.
FTA mới và cơ hội cho nông sản Việt tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. |
Các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm. Đặc biệt là các thông tin về ưu đãi thuế quan theo Hiệp định, những mặt hàng Việt Nam đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu cần tận dụng được các lợi thế khi thị trường “mở”.
“CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn” - bà Phạm Quỳnh Mai nói.
Các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp của ta tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Liên kết để tạo sức mạnh
Trong bối cảnh CPTPP, ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức lớn. Trong số 11 quốc gia tham gia CPTPP, Việt Nam là quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp ở mức thấp nhất. Australia, Nhật Bản hay New Zealand là những nước có nền sản xuất, chăn nuôi phát triển ở trình độ cao và bài bản. Nông nghiệp Việt Nam cũng đối mặt với nhiều rủi ro lớn liên quan đến biến đổi khí hậu, điều kiện thời tiết...
Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT Công ty Thai Binh Seed cho rằng, để tăng tính cạnh tranh cho nông sản Việt Nam trên sân chơi CPTPP, có nhiều vấn đề mà nông nghiệp Việt Nam cần thay đổi. Thay đổi công nghệ sản xuất bao gồm: hệ thống chế biến, bảo quản nông sản phải đồng bộ để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm ngặt mà CPTPP đề ra. Chú trọng liên kết doanh nghiệp với doanh nghiệp, bên cạnh liên kết 4 nhà. Từ đó thúc đẩy chuyên môn hóa, hợp tác hóa, tạo thành chuỗi dây chuyền sản xuất và xuất khẩu, tăng cường lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
“Chính sách Nhà nước phải thay đổi theo hướng ổn định, hiệu quả và minh bạch. Chính phủ cần phối hợp với Doanh nghiệp đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu quốc gia một cách đồng bộ và vững mạnh” - ông Trần Mạnh Báo nói.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, không phải công nghiệp, nông nghiệp và du lịch mới là mũi nhọn của ngành kinh tế Việt Nam. Tại thị trường CPTPP nói riêng và thị trường quốc tế nói chung, Việt Nam với xuất phát điểm là nước nông nghiệp, gần như luôn theo sau trong mọi lĩnh vực công nghiệp hóa, số hóa, trí tuệ nhân tạo AI… Do đó, Chính phủ từ lâu đã duy trì quan điểm ưu tiên ngành nông nghiệp, tận dụng nguồn lực và lợi thế cạnh tranh trong nước.
“Cần ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu và phát triển dây chuyền công nghệ, giống, bảo quản, làm sạch nông sản..., qua đó đa dạng hóa và hoàn thiện chất lượng sản phẩm xuất khẩu phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường quốc tế. Kiểm soát chặt chẽ các yếu tố kỹ luật, giám sát sản xuất đồng bộ, hướng tới xây dựng thương hiệu nông sản chất lượng Việt Nam” - chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh./.
FTA mới không phải “bức tranh màu hồng” cho nông sản Việt
Xuất khẩu qua trung gian, nhiều nông sản Việt bị đội giá gần gấp 2 lần