Gặp nhiều khó khăn, ngư dân phải đưa tàu vào bờ
VOV.VN - Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-91, đầu ra của hải sản ở tỉnh Tiền Giang gặp khó khăn, giá giảm mạnh đã gây bất lợi đến nghề đánh bắt trên biển. Rất nhiều ngư dân địa phương đánh bắt bị thua lỗ phải đưa tàu vào bờ, cần được tháo gỡ khó khăn.
Tại khu các neo đậu tàu cá ở thị trấn Vàm Láng và xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) hiện nay, có hàng trăm tàu cá vào bờ. Các ngư dân địa phương cho rằng, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thương lái mua hải sản ở các cảng cá thưa dần.
Đặc biệt Cảng cá Mỹ Tho đóng cửa do xảy ra ổ dịch nên đầu ra các sản phẩm biển rất khó khăn. Ở thời điểm này, nhiều mặt hàng hải sản giá giảm từ 2-3 lần so với đầu năm. Cụ thể như mực tươi giá 80.000 đồng/kg (giảm 30.000 đồng/kg), ghẹ 10.000 đồng/kg (giảm 30.000 đồng/kg), tôm biển giá 20.000 đồng/kg (giảm 10.000 đồng/kg). Giá giảm mạnh, đầu ra các mặt hàng biển tiêu thụ rất chậm. Đặc biệt, giá nhiên liệu đầu vào như dầu hỏa lại tiếp tục tăng nên hầu hết các chuyến đánh bắt gần đây của ngư dân đều bị thua lỗ. Do đánh bắt kém hiệu quả, nên nhiều ngư dân phải cho tàu vào bờ.
Ông Nguyễn Thành Công, chủ tàu đánh bắt xa bờ tại Thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, bày tỏ: "Bây giờ đồ biển giá giảm, bằng nửa giá lúc bình thường. Dầu thì lên ghe tàu đậu nhà quá nhiều. Tôi đậu ở nhà phải góp tiền trả ngân hàng ngày, vì tàu càng chạy càng lỗ. Nói chung chung tôi đang rất cần sự hộ trợ để có thể vươn khơi. Vốn vay ngân hàng thì cần được giảm lãi suất, cho chúng tôi tạm dừng đóng tiền gốc xoay sở một năm có vốn sẽ đóng tiếp. Chứ tình hình này mà đóng tiền này tiền kia thì không chịu nổi”.
Thật vậy, 2 tháng qua khi dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, việc đánh bắt, kinh doanh các mặt hàng hải sản tại tỉnh Tiền Giang đều gặp khó khăn. Nhiều nhà vựa tôm cá phải đóng cửa do các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh ngưng hoạt động.
Theo thống kê của Ban quản lý cảng cá Tiền Giang, ở thời điểm này toàn tỉnh có 459 tàu cá đang hoạt động, hơn 500 phương tiện đã vào bờ tạm ngưng việc đánh bắt. Do không có nguồn thu nhập nên đối với các ngư dân có vay vốn ngân hàng thì khó khăn chồng chất.
Ông Huỳnh Thanh Phong, Phó Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Tiền Giang cho biết thêm: "Hiện nay, do tình hình dịch Covid-19 nên đa số tàu vô cập cảng đưa cá vô cấp đông và bán với số lượng cũng ít. Tại vì các chợ đầu mối thường bán đã ngưng hoạt động hết rồi, bán chợ không được.
Đa số tàu nằm bờ hết, chỉ còn một số tàu thu mua đi chứ tàu khai thác thì vào bờ nhiều. Tiêm vaccine thì cán bộ, nhân viên cảng đều đã tiêm 2 mũi, còn chủ nậu, dựa thì ở địa phương tiêm được hơn 50% mũi 1. Là cảng nên người ra vào nhiều, giống như cái chợ vậy, nên chúng tôi chỉ kiểm soát đầu vào, phải có test nhanh”.
Trong thời điểm tàu nằm bờ như hiện nay, cả chủ tàu, tài công, ngư phủ đều rất cần được sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước, nhất là các gói hỗ trợ ngư dân, chính sách đối với việc vay vốn từ ngân hàng. Trước mắt, các ngành chức năng cần tháo gỡ khó khăn trong việc bốc xếp hàng hóa tại các cảng cá, vận chuyển hàng từ cảng đến nơi tiêu thụ; khẩn trương tiêm phòng vaccine phòng dịch bệnh Covid-19 cho những người lao động tại các cảng cá. Đối với cảng cá Mỹ Tho sớm hoạt động ổn định trở lại, để phục vụ đầu ra sản phẩm của ngư dân.
Ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, vấn đề đầu ra hải sản gặp khó khăn là do tình hình dịch bệnh, cụ thể là quy luật “cung- cầu” của thị trường; trong đó có vấn đề ách tắc trong việc vận chuyển, vấn đề vốn vay đang được tháo gỡ. Đối với cảng cá đang từng bước hoạt động bình thường trở lại. Đây là vấn đề chung cần có sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành chức năng.
Theo ông Minh: "Về các gói tín dụng theo thông tư 14 của ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cũng thực hiện giãn nợ theo quy định. Còn Sở đã đưa cảng cá Mỹ Tho vào hoạt động lại nhưng do ở địa phương tình hình dịch bệnh khu vực phường 2 chưa ổn nên mới mở lại ở mức độ lên hàng. Tình hình sản xuất liên quan đến tiêu thụ thì nằm ngoài thẩm quyền của Sở. Vận chuyển thì thuộc thẩm quyền của Sở Giao thông vận tải. Khi triển khai Nghị quyết 128 thì tình hình khó khăn mới gỡ ra chứ thẩm quyền của Sở NN-PTNT chỉ ở mức độ vậy”.
Dịch bệnh Covid-19 đã gây khó khăn đến đầu ra hầu hết các mặt hàng nông- thủy sản. Đối với nghề đánh bắt hải sản của ngư dân Tiền Giang rất cần được quan tâm, hỗ trợ từ nhiều phía, để đoàn tàu sớm nhổ neo trở lại biển khơi, tiếp tục có những chuyến về đầy ắp cá tôm ./.