GDP cả nước năm 2016 tăng 6,21%
VOV.VN -Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2016, với GDP tăng 6,21% so với năm 2015.
Theo Tổng cục Thống kê, năm nay, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 6,21% so với năm 2015, trong đó quý I tăng 5,48%; quý II tăng 5,78%; quý III tăng 6,56%; quý IV tăng 6,68%.
Năm 2016, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng cao 11,90%, góp vào mức tăng trưởng chung 1,83 điểm phần trăm (Ảnh minh họa: VNP) |
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá: “Mức tăng trưởng GDP năm nay tuy thấp hơn mức tăng 6,68% của năm 2015 và không đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% đề ra, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận, giá cả và thương mại toàn cầu giảm, trong nước gặp nhiều khó khăn do thời tiết, môi trường biển diễn biến phức tạp thì đạt được mức tăng trưởng trên là một thành công, khẳng định tính đúng đắn, kịp thời, hiệu quả của các biện pháp, giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng thực hiện”.
Trong mức tăng 6,21% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,36%, thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,57%, thấp hơn mức tăng 9,64% của năm trước, đóng góp 2,59 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,98%, đóng góp 2,67 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 7,06% so với năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng cao 11,90%, đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung với 1,83 điểm phần trăm.
Ngành khai khoáng năm nay giảm tới 4,00%, đã làm giảm 0,33 điểm phần trăm mức tăng trưởng chung, đây là mức giảm sâu nhất từ năm 2011 trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu do giá dầu thế giới giảm khiến lượng dầu thô khai thác giảm hơn 1,67 triệu tấn so với năm trước; sản lượng khai thác than cũng chỉ đạt 39,6 triệu tấn, giảm 1,26 triệu tấn.
“Xu hướng ngành công nghiệp chuyển dịch sang lĩnh vực chế biến, chế tạo, giảm sự phụ thuộc vào ngành khai khoáng là điều cần thiết vì Việt Nam đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững hơn”- ông Lâm nhấn mạnh.
Còn ngành xây dựng tăng trưởng khá với tốc độ 10,00%, đóng góp 0,60 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Trong khu vực dịch vụ, một số ngành có đóng góp với tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung như: Bán buôn và bán lẻ; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; kinh doanh bất động sản; dịch vụ lưu trú và ăn uống.
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Về quy mô nền kinh tế năm 2016, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm, cho biết: Tính theo giá hiện hành quy mô nền kinh tế năm nay đạt 4.502,7 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 48,6 triệu đồng, tương đương 2.215 USD, tăng 106 USD so với năm 2015. Về cơ cấu nền kinh tế năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 16,32%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,72%; khu vực dịch vụ chiếm 40,92%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,04% (Cơ cấu tương ứng của năm 2015 là: 17,00%; 33,25%; 39,73%; 10,02%).
Xét về góc độ sử dụng GDP năm 2016, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,32% so với năm 2015, đóng góp 5,29 điểm phần trăm vào mức tăng chung (trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư đóng góp 4,81 điểm phần trăm); tích lũy tài sản tăng 9,71%, đóng góp 3,08 điểm phần trăm; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ ở tình trạng nhập siêu làm giảm 2,16 điểm phần trăm của mức tăng trưởng chung./. Kinh tế Việt Nam sẽ cải thiện hơn, GDP năm 2017 dự báo tăng 6,3%
GDP của Việt Nam có thể đạt 6,86% trong giai đoạn 2016-2020
Mất gần 1% GDP mỗi năm vì thiên tai: Giải pháp tài chính nào ứng phó?