Giá cả ổn định nhưng vẫn cần thận trọng!
VOV.VN - Việc điều chỉnh giá của từng mặt hàng cụ thể cần được cân nhắc liều lượng và thời điểm hợp lý.
Thông lệ hàng năm, cứ vào dịp cận và sau Tết Nguyên đán, các loại thực phẩm, rau, củ, quả, dịch vụ ăn uống thường tăng giá mạnh. Tuy nhiên năm, nay hầu hết các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau, củ… tương đối ổn định. Mặc dù cũng có mặt hàng tăng giá cục bộ, nhưng nhìn chung thị trường cung - cầu được thực hiện tương đối tốt, hạn chế được tình trạng khan hàng sốt giá.
Sau những ngày nghỉ Tết Giáp Ngọ, hôm nay bà Đoàn Thị Tuyết, ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội mới ra chợ gần nhà để mua thực phẩm. Đi 1 vòng quanh chợ, bà cũng đã mua được rất nhiều loại rau như su hào, bắp cải, cà chua… Bà Tuyết chia sẻ, không giống như mọi năm, năm nay giá thực phẩm sau Tết rẻ hơn nhiều:
“Sau Tết tôi thấy rẻ hơn, hôm nay tôi mua thịt thủ với tai cũng rẻ, trước tôi mua 15.000 đồng/lạng nay tôi mua có 7.500 đồng/lạng, các thứ rau dưa cũng đều rẻ, rẻ hơn cả Tết nhiều, thấy rẻ thế này là phấn khởi”, bà Tuyết cho biết.
Rau quả. thực phẩm sau Tết giá vẫn ổn định, sức mua không tăng. |
Những ngày đầu năm mới, nhiều chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, cảnh mua bán vẫn thưa thớt và vắng vẻ. Theo khảo sát của phóng viên, trừ các loại hải sản giá tăng mạnh (cụ thể, tôm loại to một cân khoảng 20 - 25 con, có giá từ 600.000 – 650.000 đồng/kg; tôm loại vừa có giá từ 250.000 – 300.000 đồng/kg…còn lại các mặt hàng như thị bò, thịt lợn, cá, gà…giá vẫn ổn định.
Chị Vũ Thị Nhường, một tiểu thương ở chợ Hôm, quận Hai Bà Trưng chia sẻ, trừ giá xương sườn vẫn ở mức cao từ 90.000 – 120.000 đồng/kg thì chưa năm nào, thịt lại ế ẩm như thời điểm này:
“Dạo này thực phẩm bán ế, lượng hàng bán ra giảm đi không bằng 1 nửa so với mọi khi, giá cũng rẻ nhưng vẫn không bán được. Trước Tết thịt có giá 70.000 – 80.000 đồng đến nay bán 50.000 - 60.000 cũng không có người mua”, chị Nhường chia sẻ.
Trái với mọi năm, sau Tết Giáp Ngọ, giá các mặt hàng rau quả thường tăng mạnh, thì năm nay không tăng, thậm chí nhiều mặt hàng còn giảm đáng kể. Tại các chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng); Gia Lâm, Ngọc Lâm (quận Long Biên), mỗi cân cà chua dao động từ 5.000 – 7.000 đồng, thay vì 10.000 – 15.000 đồng như trước Tết; Súp lơ có giá 4.000 đồng/cây, bắp cải 4.000 đồng/kg; su hào 1.000 đồng/củ…
Theo chị Nguyễn Thị Nhàn, một tiểu thương ở chợ Gia Lâm, quận Long Biên, nhu cầu thực phẩm của người dân thời điểm này thấp hơn ngày thường. Bên cạnh đó, thời tiết thuận lợi, ấm áp khiến nguồn cung rau củ dồi dào, giá đầu vào rẻ hơn.
Lý giải về diễn biến giá cả ổn định sau Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, trước và sau Tết, hàng hóa ở các địa phương rất phong phú đa dạng; nguồn cung dồi dào, ổn định. Ngành công thương thời gian qua cũng đã có sự chuẩn bị tốt trong lưu thông phân phối hàng hóa góp phần hạn chế tình trạng khan hàng, sốt giá.
Trong khi đó, sức mua không tăng cao. Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu và cân nhắc tập trung vào nhu cầu thiết yếu. Tuy nhiên, thời gian tới, vẫn còn nhiều yếu tố tác động đến chỉ số giá tiêu dùng. Do đó, chưa thể chủ quan lơ là. Công tác điều hành giá cả năm 2014 vẫn cần thận trọng để đạt mục tiêu đề ra.
“Lạm phát ở Việt Nam mặc dù đang thấp nhưng chưa vững chắc nên vẫn cần tiếp tục kiểm soát lạm phát. Năm 2014 Chính phủ chủ trương chuyển từ kiềm chế lạm phát sang kiểm soát lạm phát dưới mức 7% có thể đạt được”, Ông Nguyễn Đức Thắng nói.
Các chuyên gia cho rằng, diễn biến giá cả ở Việt Nam trong năm 2014 phụ thuộc rất mạnh vào các quyết sách thực hiện lộ trình điều hành giá một số mặt hàng của nhà nước như điện, than, xăng dầu, dịch vụ y tế, giáo dục...
Do đó, việc điều chỉnh giá của từng mặt hàng cụ thể cần được cân nhắc liều lượng và thời điểm hợp lý để tránh tạo ra những cú sốc trên thị trường và tác động tới đời sống của người dân./.