Giá cà phê giảm liên tục, nhiều doanh nghiệp điêu đứng

VOV.VN -Từ đầu vụ tới nay, giá cà phê nhân sụt giảm liên tục từ 42.000 đồng xuống chỉ còn trên dưới 37.000 đồng/kg, khiến một loạt DN kinh doanh mặt hàng này ở Gia Lai gặp nhiều khó khăn

Đồng thời, tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2015 của toàn tỉnh bị sụt giảm trầm trọng.

Vào cuối 2014, giá cà phê nhân đầu mùa ở mức 41 đến 42 nghìn đồng/1 kg, là mức giá cao trong nhiều năm trở lại đây. Hầu hết các thương lái và doanh nghiệp kinh doanh cà phê ở Gia Lai đều cho rằng, cà phê mất mùa, nên giá cả trong mùa chắc chắn còn lên cao. Do đó, thương lái, doanh nghiệp, thậm chí cả người trồng cà phê cũng tích trữ hàng, chờ giá lên. Tuy nhiên, mức giá đỉnh điểm này chỉ duy trì trong vòng nửa tháng, sau đó sụt giảm liên tục cho tới nay. 
Vay ngân hàng 3 tỷ đồng để tích trữ cà phê đầu vụ với giá 41 nghìn đồng/ kg, nay đang bị lỗ 3 triệu 500 nghìn đồng/ 1 tấn, ông Nguyễn Quang Hiệp, một thương lái ở tổ 9, phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku đành đánh liều giữ hàng trong kho, chờ vận may.

Ông Nguyễn Quang Hiệp nói: “Năm nay giá xuống rất nhanh và nó chững lại rất lâu. Đầu mùa cao giá, thương lái bung ra mua để trữ, đến bây giờ giá rất thấp, bán thì lỗ nặng, nên phải đợi ổn định giá để lấy lại vốn.  Giá đang rất thấp, lại gần giáp mùa, nên tôi mua đâu bán đó, không có trữ, ăn chênh lệch giá thôi.”

Mức giá cà phê nhân giảm liên tục, với biên độ rộng như hiện nay đẩy nhiều doanh nghiệp kinh doanh nông sản ở Gia Lai vào tình trạng bán thì tiếc, mà giữ thì rủi ro. Vào đầu vụ, để có vốn gom hàng, nhiều doanh nghiệp chọn phương án ký gửi hàng trăm tấn cà phê ở các công ty nông sản của nước ngoài.

Theo đó, công ty này sẽ thanh toán 70% giá trị hàng ở thời điểm ký gửi. Sau kỳ hạn tối đa 3 tháng, dù muốn hay không, doanh nghiệp phải bán hàng cho công ty với giá thấp hơn thị trường khoảng 2 triệu đồng/tấn.

Trường hợp, tổng giá trị hàng hóa ký gửi có nguy cơ xuống dưới mức tiền ứng của công ty, thì tự động bị chốt giá, cho dù chưa tới kỳ hạn 3 tháng. 

Với phương thức chốt giá này, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thanh Phát Phú ở xã Biển Hồ, thành phố Pleiku đã bị lỗ hơn 1 tỷ đồng cho hơn 100 tấn cà phê ký gửi. Hơn 200 tấn cà phê trong kho của doanh nghiệp này đành phải nằm im canh giá.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thùy, Phó Giám đốc công ty Thanh Phát Phú nói:  “Đầu mùa mua giá 41.500 đồng/1kg gửi xuống đó (xuống kho của công ty lớn), ứng tiền mua hàng, đến giờ 3 tháng hết hạn, công ty tự fix hàng (chốt giá), bán được 34 đến 35 nghìn/ 1 kg, chứ đâu có bán cao như ngoài thị trường được. Gửi người ta, bắt buộc phải bán, không bán là không được. Cà phê hạ, bây giờ lỗ giá, rồi lỗ tiền lãi (lãi ngân hàng) nữa. Giờ lượng hàng trong kho, mình canh, ví dụ như lỗ một phần thì mình bán, nếu lỗ quá thì để trữ lại, sang năm lên thì bán.”
Theo thống kê của Sở Công thương tỉnh Gia Lai, hiện toàn tỉnh chỉ còn 4 công ty lớn xuất khẩu cà phê. 6 tháng đầu năm 2015, tổng lượng cà phê xuất khẩu của cả 4 doanh nghiệp này mới chỉ đạt 74 nghìn tấn, chưa bằng một nửa cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu cà phê toàn tỉnh giảm 60% so với cùng kỳ, kéo theo tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh 6 tháng đầu năm sụt giảm hơn một nửa so với nửa đầu năm 2014.
Ông Nguyễn Tấn Lực, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu và Thương mại điện tử, Sở Công thương tỉnh Gia Lai nói: “Giá cà phê xuống thấp như hiện nay khiến các doanh nghiệp kinh doanh cà phê rất khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường cũng như giữ vững các thị trường lâu nay đã có. Cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Ở những thời điểm thuận lợi, xuất khẩu cà phê chiếm tỉ trọng từ 75 đến 80% tổng kim ngạch xuất khẩu chung của toàn tỉnh. Do đó, sự biến động giá cả của mặt hàng cà phê đã chi phối phần lớn kế hoạch xuất khẩu của tỉnh, ảnh hưởng đến kế hoạch xuất khẩu hàng năm cũng như kế hoạch xuất khẩu của tỉnh trong dài hạn”.
Còn khoảng 4 tháng nữa, niên vụ cà phê 2014-2015 sẽ kết thúc, hầu hết các doanh nghiệp còn tích trữ cà phê ở Gia Lai rơi vào tình trạng buông xuôi, chờ vận may giá nhích lên ở cuối vụ.

Tuy nhiên, với biến động khó lường của giá cà phê năm nay, điều này tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ lớn cho doanh nghiệp./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chờ tái canh cà phê: Sự thật đắng lòng ở Kon Tum
Chờ tái canh cà phê: Sự thật đắng lòng ở Kon Tum

VOV.VN -Cà phê già cỗi, năng suất thấp, đời sống người dân khó khăn nhưng mong ước tái canh cà phê chưa biết đến bao giờ mới thực hiện được.

Chờ tái canh cà phê: Sự thật đắng lòng ở Kon Tum

Chờ tái canh cà phê: Sự thật đắng lòng ở Kon Tum

VOV.VN -Cà phê già cỗi, năng suất thấp, đời sống người dân khó khăn nhưng mong ước tái canh cà phê chưa biết đến bao giờ mới thực hiện được.

Nông dân thiệt đơn, thiệt kép vì trữ cà phê
Nông dân thiệt đơn, thiệt kép vì trữ cà phê

VOV.VN - Với giá thu mua 37.000 đồng một kg, giá cà phê nhân xô ở các tỉnh Tây Nguyên giảm so với thời điểm cuối năm ngoái hơn 5.000 đồng/kg

Nông dân thiệt đơn, thiệt kép vì trữ cà phê

Nông dân thiệt đơn, thiệt kép vì trữ cà phê

VOV.VN - Với giá thu mua 37.000 đồng một kg, giá cà phê nhân xô ở các tỉnh Tây Nguyên giảm so với thời điểm cuối năm ngoái hơn 5.000 đồng/kg