Gia hạn nhu cầu cho vay ngoại tệ đến hết năm 2015
VOV.VN - Việc làm này góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu và hoạt động sản xuất trong nước, nâng tăng trưởng của nền kinh tế.
Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là hết năm 2014. Đây cũng là thời hạn cuối các tổ chức tín dụng được cho vay ngoại tệ đối với dự án sản xuất hàng xuất khẩu của doanh nghiệp và doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, theo Thông tư 29 của Ngân hàng Nhà nước.
Hiện nay, dư luận xã hội, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực liên quan đang băn khoăn về quy định trong thông tư. Trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Ngân hàng Nhà nước quyết định gia hạn nhu cầu cho vay ngoại tệ theo Thông tư 29 đến hết năm 2015.
PV: Trước những thông tin bày tỏ sự lo lắng về việc dừng cho vay ngoại tệ vào ngày 31/12/2014 theo Thông tư số 29 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), xin bà cho biết ý kiến chính thức của NHNN về vấn đề này?
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Vừa qua, NHNN cũng có đánh giá về tình hình cho vay ngoại tệ của các Tổ chức tín dụng trong thời gian qua trên cơ sở các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô mà Quốc hội đã phê chuẩn như GDP tăng 6,2%.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: Internet)
PV: Thưa Phó Thống đốc, vậy việc NHNN tiếp tục kéo dài thời hạn cho vay ngoại tệ lần này sẽ tác động như thế nào đến hoạt động của các doanh nghiệp và các Tổ chức tín dụng?
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Về góc độ của doanh nghiệp, khi vay ngoại tệ với mặt bằng tỷ giá tương đối ổn định như hiện nay, lãi suất cho vay tiền đồng Việt Nam vẫn tương đối cao so với cho vay bằng ngoại tệ. Nếu cho phép tiếp tục cho vay ngoại tệ sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí vay vốn.
Đối với các Tổ chức tín dụng, khi NHNN cho phép các Tổ chức tín dụng tự quyết định cho vay ngoại tệ đối với hai nhu cầu vay vốn này thì hệ thống các tổ chức tín dụng có điều kiện mở rộng để đáp ứng được chỉ tiêu định hướng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước đề ra.
Xét về tổng thể: Một nền kinh tế khi có các doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu được hỗ trợ về chi phí vay vốn, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu và hoạt động sản xuất trong nước… sẽ giúp cho nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 6,2% trong năm 2015 như chỉ tiêu của Quốc hội đề ra.
PV: Có nhiều ý kiến băn khoăn về việc tiếp tục cho vay ngoại tệ đối với hai đối tượng: Dự án sản xuất hàng xuất khẩu và doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Điều này có thể làm “cầu” ngoại tệ tăng mạnh và tác động ngược trở lại, tạo sức ép lên thị trường ngoại hối, vậy ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?
Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Việc cho phép các Tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay ngoại tệ đối với hai đối tượng này có thể giúp giảm nhu cầu mua ngoại tệ vào thời điểm doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn. Tuy nhiên là nhu cầu vay vốn trong tương lai khi các khoản nợ đến hạn có tăng hay không thì phụ thuộc vào các doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ hay không.
Đối với nhu cầu vốn vay ngoại tệ để thực hiện dự án sản xuất hàng xuất khẩu thì các dự án này có nguồn thu ngoại tệ xuất khẩu để trả nợ các khoản vay, còn đối với nhu cầu vay vốn nhập khẩu xăng dầu thì đây là nhu cầu doanh nghiệp không có đủ nguồn ngoại tệ để trả nợ, tuy nhiên tỉ trọng cho vay của nhóm này chỉ chiếm 6% thì không tác động nhiều đến thị trường ngoại hối.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!/.