Giá lúa tăng cao, nông dân ĐBSCL thu lời gấp 2-3 lần năm ngoái
VOV.VN - Người dân ĐBSCL đang rất phấn khởi khi vụ lúa Đông Xuân 2020 – 2021 bán được giá và cao hơn trung bình nhiều năm.
Đây là tín hiệu vui đầu năm mới đối với người dân khu vực ĐBSCL khi đang bước vào thu hoạch chính vụ, hiện giá lúa đang được thương lái thu mua từ 6.500 - 7.500 đồng/kg tùy vào từng giống.
Vụ lúa Đông Xuân 2020 -2021 nông dân ĐBSCL đang rất phấn khởi khi lúa được mùa, được giá. Với giá bán hiện nay đang cao hơn rất nhiều so với các vụ lúa trở lại đây, nếu tính bình quân 1 ha người dân đang lãi từ 25 đến 30 triệu đồng, đối với những trà lúa đặc sản lãi sẽ lên tới 40 triệu đồng, năng suất năm nay cũng ghi nhận cao từ 7 - 7,5 tấn/ha, đặc biệt có những nơi gần 8 tấn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, hiện nay người dân đã thay đổi tập quán canh tác, tập trung vào những giống lúa chất lượng cao để phục vụ nhu cầu xuất khẩu, giá gạo trong suốt thời gian qua cũng ở mức cao khiến giá lúa luôn tăng khi bước vào thu hoạch chính vụ. Vụ lúa Đông Xuân này thành phố Cần Thơ xuống giống hơn 77.000 ha và tập trung vào những giống chất lượng cao hơn 90%, giá bán ổn định người dân đang có lãi cao.
Chọn những giống chất lượng cao phục vụ nhu cầu xuất khẩu
Ông Trương Văn Hùng, ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ cho biết, vụ lúa Đông Xuân năm nay gia đình ông canh tác giống lúa đài thơm 8 với diện tích gần 1 ha, với giá bán cho tại ruộng 6.300 đồng/kg, trừ hết chi phí bình quân mỗi công gia đình ông lời khoảng 3 triệu đồng, tính nhẩm ra 1 ha lời 30 triệu đồng.
Theo ông Hùng, vài năm trở lại đây người dân đã thay đổi tâp quán canh tác, chọn những giống chất lượng cao để phục vụ nhu cầu thị trường và xuất khẩu, giá gạo, giá lúa luôn ổn định trong suốt thời gian dài vừa qua khiến nông dân trông lúa rất phấn khởi.
"Mọi năm có hơn 4.0000 đồng/kg, năm nay được hơn 6.000 đồng/kg, giờ hiện tại bán 6.300 đồng/kg, một công được 1 tấn thì nông dân được hơn 6 triệu đồng, trừ chi phí khoảng 2 – 3 triệu đồng. Tôi vui lắm chứ mọi năm đâu tới giá này" - ông Hùng bày tỏ.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ cho biết, theo kế hoạch hàng năm địa phương xuống giống khoảng 200.000 ha, với hơn 1 triệu tấn lúa. Vài năm trở lại đây, người dân đã tập trung vào sản xuất theo tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu thị trường, các giống chất lượng cao được ngành nông nghiệp quan tâm và triển khai xuống từng địa phương.
Bên cạnh đó, sự chủ động của các doanh nghiệp xuất khẩu khi liên kết, hợp tác với người dân để tạo ra những cánh đồng lớn phục vụ nhu cầu xuất khẩu đang là những tín hiệu tích cực cho ngành nông nghiệp trong thời gian vừa qua.
Theo ông Trần Thái Nghiêm: "Vụ Đông Xuân năm nay đến thời điểm này đã có hơn 1.000 ha đã thu hoạch, năng suất bình quân 7,1 - 7,2 tấn/1ha. Giá lúa bình quân từ 6.300 - 6.700 đồng/kg đây là giá lúa cao nhất trong những năm gần đây đối với thành phố Cần Thơ. Về việc dự báo ngắn hạn, ngành nông nghiệp nhận định lúa gạo cũng tương đối thuận lợi".
Nông dân ĐBSCL phấn khởi lúa được mùa được giá
Đối với gia đình anh Nguyễn Tấn Kiệt ở xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, vụ Đông Xuân năm nay anh sản xuất gần 1ha lúa OM 5451. Đây là những trà lúa xuống giống vào mùng 10/10 âm lịch năm 2020 theo lịch thời vụ của địa phương. Khi đến ngày thu hoạch thương lái đến tận ruộng thu mua với giá 7.000 đồng/kg. Theo cách tính của anh Nguyễn Tấn Kiệt năm nay mỗi công anh lời hơn 2 triệu đồng.
Anh Kiệt cho biết: "Năm nay tính lợi nhuận tăng cao hơn nhiều so với năm ngoái. Năm qua một công lời khoảng 800.000 đồng, mùa này chúng tôi lời khoảng 2,5 triệu. Bà con rất phấn khởi vụ mùa này".
Vụ lúa Đông Xuân năm nay toàn tỉnh Vĩnh Long xuống giống hơn 52.800 ha tập trung tại các huyện, thị xã. Để né rầy và mặn xâm nhập, tỉnh Vĩnh Long chia lịch thời vụ xuống giống làm 3 đợt. Hiện nay, nông dân Vĩnh Long cơ bản thu hoạch xong diện tích lúa Đông Xuân, năng suất bình quân đạt hơn 7 tấn/ha, đặc biệt có những nơi đạt gần 8 tấn/ha. Giá lúa trên địa bàn giao động khoảng từ 6.500 đồng đến 7.500 đồng/kg.
Ông Kim Sách, Phó Chủ tịch UBND xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long cho biết, thương lái vào địa phương để thu mua lúa của người dân, nhiều thương lái đã đặt cọc cho người dân từ những ngày trước Tết Nguyên đán với giá khá cao nên bà con nông dân rất phấn khởi.
"Vụ Đông Xuân 2020 – 2021 xã Thiện Mỹ sử dụng các loại giống như OM 5451, OM 18, OM 4900 và một số giống khác, năng suất bình quân khoảng 7 tấn/ha. Nói chung năm nay bà con cũng rất phấn khởi" - ông Kim Sách cho biết.
Dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước tiếp tục tăng
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, thời gian qua Việt Nam đã thay đổi về cơ cấu giống, chọn những giống lúa thơm, chất lượng cao để phục vụ nhu cầu thị trường và xuất khẩu. Hiện, gạo Việt Nam đang chiếm ưu thế ở thị trường cấp trung và cao cấp so với các nước trong khu vực, để có được thành quả này không chỉ về nguồn giống mà sự liên kết chặt chẽ giữa người dân, doanh nghiệp tạo ra những vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn sang các thị trường.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội lương thực Việt Nam dự báo, năm nay nhu cầu về nguồn cung sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu của các đối tác nhập khẩu.
"Chúng ta thay đổi cơ cấu giống trong các năm qua, giá trị các giống này đã được thị trường chấp nhận, chấp nhận ở mức giá cao, đây là một lợi thế mà Việt Nam đang có thế mạnh so với các nước xung quanh. Theo dự báo của các cơ quan lương thực thế giới, sản lượng của thế giới năm 2021 tiếp tục có nhu cầu về nguồn cung sẽ không đáp ứng đủ nguồn cầu" - ông Nguyễn Trung Kiên chỉ rõ.
Hiện nay nông dân ĐBSCL bước vào thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân 2020 – 2021, giá lúa cao khiến nông dân phấn khởi, đây là tín hiệu vui đầu năm đối với người dân vùng ĐBSCL khi giá lúa, gạo liên tiếp tăng trong suốt thời gian dài vừa qua.
Theo dự báo giá lúa, gạo sẽ còn tăng do nhu cầu nhập khẩu gạo của các đối tác trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cũng là lợi thế cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Giá gạo tăng, giá lúa tăng không trong suốt thời gian dài đã cho thấy sự thay đổi tư duy sản xuất, chọn những giống thơm, chất lượng cao, đặc sản để đưa vào canh tác đang mang lại những tín hiệu tích cực cho cả người dân và doanh nghiệp vùng ĐBSCL./.