Gia tăng buôn lậu lợi dụng tạm nhập - tái xuất
(VOV) - Nhiều tổ chức lợi dụng loại hình này để buôn lậu hàng hóa có số lượng và giá trị lớn.
Báo cáo tại buổi Giao ban công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại năm 2013 do Ban chỉ đạo 127 Trung ương tổ chức sáng 30/3 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Cẩn - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Hải quan cho biết, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã xác lập nhiều chuyên án, điều tra làm rõ các vi phạm đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến hoạt động tạm nhập - tái xuất, đặc biệt là đối với các mặt hàng nhạy cảm như xăng dầu, thuốc lá, đường kính…
Cục Hải quan các tỉnh, thành phố đã phát hiện nhiều vụ vi phạm với thủ đoạn tái xuất không đúng tuyến đường, không đúng cửa khẩu ghi trong giấy phép và tờ khai, không đúng về tên hàng, số lượng, trọng lượng, chủng loại hàng hóa, vi phạm Công ước Basel, hàng cấm…với trị giá vi phạm ước tính lên tới 207,9 tỷ đồng.
Đặc biệt, Cục Chống buôn lậu Tổng Cục Hải quan đã phát hiện các đường dây lợi dụng loại hình kinh doanh tạm nhập - tái xuất để buôn lậu hàng hóa có số lượng và giá trị lớn như vụ bắt giữ 4 tàu biển vi phạm chở 1.650 tấn xăng có trị giá 27 tỷ đồng; vụ bắt giữ tàu biển chở 155 tấn dầu diesel trị giá 3,4 tỷ đồng.
Trên tuyến đường bộ, Tổng cục Hải quan bắt giữ vụ buôn lậu 296 tấn xăng tạm nhập tái xuất của Công ty Xăng dầu Hàng không, trị giá hàng hóa vi phạm 8 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Cẩn cũng cho rằng, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 23/CT-CP ngày 7/9/2012, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 05/2013/TT-BCT ngày 18/2/2013 quy định về hoạt động kinh doanh tạm nhập - tái xuất một số hàng hóa.
Theo đó, về trước mắt cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu quản lý các doanh nghiệp tạm nhập - tái xuất. Tuy nhiên, các đối tượng buôn lậu rất tinh vi và xảo quyệt nên để quản lý tốt loại hình kinh doanh này cần sự phối hợp trao đổi thông tinn kịp thời của các lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương./.