Giá thịt lợn tăng cao kỷ lục và có nguy cơ tăng tiếp

VOV.VN-Giá thịt lợn tại Việt Nam hiện tăng cao nhất nhì thế giới, gây đảo lộn cuộc sống của người dân. Dự báo, giá thịt lớn có nguy cơ tăng tiếp thời gian tới.

Thời gian gần đây, giá thịt lợn hơi trên cả nước đã tăng kỷ lục lên mức hơn 100.000/kg, dẫn đến giá thịt lợn thương phẩm cũng ở mức cao nhất nhì trên thế giới.

Tại các chợ truyền thống ở Hà Nội như: Chợ nghĩa Tân, chợ Hôm, Phùng Khoang, Kim Liên, Thành Công… giá thịt lợn cao chưa từng có. Cụ thể, sườn thăn có giá 200.000 đồng/kg; nạc vai: 180.000 đồng/kg; thịt ba chỉ là 180.000 đồng/kg; chân giò: 170.000 đồng/kg, sườn non: 220.000 đồng/kg. 

Chị Nguyễn Minh Thu, tiểu thương bán thịt ở chợ Nghĩa Tân cho biết, nhiều ngày nay, lợn móc hàm nhập về tăng giá liên tục. Mỗi ngày giá tăng vài nghìn đồng. Do nhập từ chợ đầu mối đắt nên buộc phải bán đắt.

Còn chị Trần Thu Hoài, tiểu thương bán thịt tại chợ Thành Công chia sẻ: “Việc giá thịt tăng cao là điều cả người bán và người mua đều không mong muốn. Do nhập về với giá cao nên chị phải bán giá cao. Mấy ngày nay, chị Hoài không dám nhập thịt về nhiều như mọi khi bởi lượng người mua giảm tới 2/3 so với thời điểm thịt lợn bình ổn, chưa tăng giá”.

Giá lợn hơi tăng mạnh kéo theo giá thịt lợn thương phẩm tăng cao.

Tại các siêu thị, giá thịt lợn đắt hơn ở chợ dân sinh từ 10.000 - 30.000 đồng/kg, thậm chí có loại đắt hơn 70.000 – 80.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do các loại phí quá cao và thịt có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Giá thịt lợn đắt đã làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người, nhiều gia đình, buộc những có thu nhập thấp phải thắt chặt chi tiêu. 

Bà Hoàng Kim Ngân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, sáng ngày 29/5, ra chợ mua thịt bà thấy ngỡ ngàng bởi giá thịt tăng “chóng mặt”. Mua 1 kg sườn thăn, bà phải trả tới 220.000 đồng. 

“Chưa bao giờ tôi thấy thịt lợn đắt như hiện nay. Trước tình hình này, gia đình tôi chuyển sang dùng các thực phẩm khác thay thế như: thịt gà, bò, cá”, bà Ngân nói.

Trước đó, từ 1/4, theo cam kết với Chính phủ, 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn sẽ hạ giá bán lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg. Theo lộ trình đến cuối quý 2 và quý 3 sẽ giảm xuống mức 60.000 - 65.000 đồng/kg. Tuy nhiên, cam kết này đến nay đã “thất bại”.

Giá thịt tăng cao, có sự cấu kết?

Gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiều lần khẳng định, hiện, tổng đàn lợn cả nước có trên 23 triệu con, dịch tả lợn châu Phi chỉ làm chết khoảng 7 triệu con, chiếm 20% tổng đàn, tương đương tổn thất khoảng 10% sản lượng thịt và đến nay, việc tái đàn rất mạnh, đạt trên 80%... Với những con số như vậy, ngay lập tức có nhiều ý kiến không đồng tình, cho rằng, con số này là không chính xác và chắc chắn con số thực tế cao hơn rất nhiều. Chính việc mập mờ từ những con số đã tạo sự khan hiếm và đẩy giá thịt lợn cao lên chót vót như vậy.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Hội chăn nuôi tỉnh Hải Dương bày tỏ quan điểm, những con số thống kê này là không chính xác, chưa sát với thực tế. Bộ nói, quy mô đàn lợn của Việt Nam đã gần đạt con số như cũ nhưng tại sao giá thịt lợn của Việt Nam lại gần như cao nhất, nhì thế giới? Dịch tả lợn châu Phi hoành hành đã khiến lượng lợn bị giảm đi rất nhiều, đặc biệt là con nái. Bên cạnh đó, Nhà nước yêu cầu tái đàn nhưng lại kêu gọi giảm giá thịt lợn, như vậy người chăn nuôi cũng không mặn mà với việc tái đàn, thịt lợn khan hiếm, dẫn đến giá cả bấp bênh… 

Giá thịt lợn tăng cao trong những ngày qua đã gây xáo trộn cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Ông Trần Duy Khanh, Tổng Giám đốc Tổng công ty chăn nuôi Việt Nam thì cho rằng, do Bộ NN&PTNT thống kê số lượng tổn thất do dịch tả lợn châu Phi không chính xác đã dẫn đến lúng túng, thiếu tầm chiến lược trong chỉ đạo điều hành. Thời điểm mới xảy ra dịch tả lợn châu Phi, Bộ “mải” chạy theo sự vụ, không có kế hoạch bài bản, dài hơi để ứng phó.  

“Điều này dẫn tới sự khủng hoảng về giá thịt lợn như hiện nay, đặc biệt, gây khó khăn cho các hộ chăn nuôi trong việc tái đàn. Như vậy, giá thịt lợn cuối quý 2, đầu quý 3 tới sẽ không thể giảm như chuyên gia của ngành Nông nghiệp dự báo, bởi không có lợn giống và giá lợn giống lại quá cao. Hậu quả khiến người dân phải lãnh chịu”, ông Trần Duy Khanh nói. 

Theo ông Khanh, để bình ổn giá thịt lợn trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT phải có chính sách rất cụ thể trong việc hỗ trợ người dân tái đàn, nhập con giống, phòng dịch, hỗ trợ vốn đầu tư. Bên cạnh đó, phải có tầm nhìn chiến lược. Bên cạnh đó, việc thống kê thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi phải chính xác, nếu không sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường như hiện nay là giá thịt lợn hơi đã nhảy vọt lên 100.000 -110.000 đồng/kg.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, giá thịt lợn đã tăng phi mã, không thể ngày 1, ngày 2 kéo xuống được, nhưng vẫn có cơ hội để “làm dịu” giá thịt lợn. Thứ nhất, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương cần phối hợp để nắm chắc tổng số đàn lợn thịt xuất chuồng hiện có để điều hành cung cầu thịt lợn trên thị trường, nên đưa thịt lợn vào mặt hàng bình ổn giá để dễ dàng kiểm soát. 

“Phải giải quyết bài toán minh bạch công khai trong chuỗi thịt lợn, từ chăn nuôi cho đến sản xuất phân phối. Nỗ lực đi thẳng từ chăn nuôi đến bàn giết mổ, bán lẻ. Hiện nay, thịt lợn phải qua thương lái, qua công ty liên kết, qua bán buôn rồi mới đến bán lẻ; Cần kiểm soát được chuỗi này bằng bình ổn giá; Phải dẫn dụ các hệ thống phân phối, cần mở cửa để đón hàng nhập khẩu, trong đó có thịt lợn vào, không ép nhà cung ứng”, ông Vũ Vinh Phú nói.

Ông Phú quan ngại, hiện có tình trạng “bất tuân thượng lệnh”, Chính phủ yêu cầu giảm giá nhưng giá thịt lại vẫn tăng mà không hề báo cáo. Các công ty đều tăng giá như nhau trong cùng 1 ngày, phải chăng ở đây có sự liên kết vi phạm luật cạnh tranh, lợi dụng tình hình để bắt tay nhau tăng giá. Do đó, cần phải kiểm tra nghiêm những việc này. Các tiểu thương buôn bán phải có lợi nhuận nhưng cũng cần chia sẻ lợi ích với người tiêu dùng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên