Giá vàng "đu đỉnh", có nên xuống tiền đầu tư?
VOV.VN - Giá vàng trong nước và thế giới liên tục lập kỷ lục mới, vậy đây có phải là thời điểm “vàng” dành cho nhà đầu tư?
Giá vàng thế giới liên tục tăng mạnh trong mấy phiên giao dịch gần đây, hiện đã lên mức 2.344,3 USD/ounce (tương đương gần 80 triệu đồng/lượng).
Tại thị trường Việt Nam, giá vàng miếng SJC hiện giao dịch quanh mức 80,6 - 82,6 triệu đồng/lượng (mua vào và bán ra. Trong khi đó, giá vàng nhẫn cũng lập kỷ lục mới, lên gần 75,5 triệu đồng mỗi lượng. Đây là mức giá “gây sốc” cho thị trường vàng bởi chưa bao giờ chứng kiến mức tăng mạnh như vậy trong hàng thập kỷ qua.
Vì sao các ngân hàng trung ương ồ ạt mua vàng?
Một số chuyên gia phân tích thị trường kim loại quý cho rằng, nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương là yếu tố chính đằng sau đợt tăng giá mới nhất của vàng, vượt mức 2.300 USD/ounce.
Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã bổ sung vàng vào kho dự trữ của mình trong tháng thứ 17 liên tiếp trong tháng 3/2024. Ngân hàng này đã tăng lượng vàng nắm giữ thêm 0,2% lên 72,74 triệu troy ounce vào tháng trước, với mức giá cao kỷ lục. Vàng giao ngay tăng mạnh trong tháng cuối cùng của quý 1/2024, từ 2.040 USD/ounce vào ngày 1/3 lên mức trên 2.265 USD/oune vào ngày 31/3.
Ngân hàng Quốc gia Czech cũng tăng dự trữ vàng thêm 2 tấn trong tháng 2, kéo dài đợt mua lên 12 tháng liên tiếp. Czech đã mua tổng cộng gần 22 tấn, nâng lượng vàng nắm giữ lên 34 tấn, tăng hơn 183% so với cuối tháng 2/2023.
Cơ quan Tiền tệ Singapore mua 2 tấn vàng trong tháng 2, mức tăng dự trữ đầu tiên kể từ tháng 9. Những khách mua đáng chú ý khác bao gồm Ngân hàng Quốc gia Kazakhstan đã tăng dự trữ vàng thêm 6 tấn. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cũng đã mua 6 tấn vàng trong tháng 2.
Khảo sát của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) về lượng vàng dự trữ của các ngân hàng trung ương năm 2022 cho thấy, dẫn đầu danh sách lần lượt là Mỹ, Đức, Ý, Pháp, Nga, Trung Quốc...
Dữ liệu lịch sử đã chứng minh, sau khi xung đột nổ ra giữa Nga và Ukraine, những ngân hàng trung ương lo sợ bị phương Tây trừng phạt nhất chính là các ngân hàng trung ương mua vàng mạnh nhất.
Trong một ấn phẩm mới công bố mang tên "Gold Investing Handbook" (tạm dịch là: Sổ tay Đầu tư vàng), Ngân hàng Thế giới (WB) đã giải thích việc các ngân hàng trung ương đang tăng cường dự trữ vàng trong mấy năm gần đây. Ấn phẩm của WB nêu quan điểm của ông Kamol Alimukhamedov - Phó Giám đốc điều hành Ngân hàng Trung ương Uzbekistan - cho rằng, hiện nay, vàng tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu, giữ vai trò như hàng rào chống lạm phát, là tài sản dự trữ an toàn đối với các ngân hàng trung ương. Do đó, các ngân hàng trung ương ồ ạt mua vàng trong mấy năm trở lại đây.
Theo nhà phân tích thị trường Krishan Gopaul tại WGC, nhu cầu vàng của ngân hàng trung ương vẫn ổn định trong những tháng đầu năm 2024. Ông Gopaul cho biết các ngân hàng trung ương bổ sung 64 tấn vàng trong tháng 1 và tháng 2, giảm hơn 43% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng tăng gấp 4 lần so với năm 2022.
Lý giải việc các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng, WGC cho rằng các nước đã thấy được tầm quan trọng của vàng trong việc ứng phó với khủng hoảng, khả năng lưu trữ giá trị và đa dạng hóa danh mục tài sản. Ngoài ra, năm 2024, thế giới dường như vẫn phải đối mặt với nhiều bất ổn kinh tế chính trị. Trong bối cảnh đó, gia tăng sở hữu vàng vẫn là chiến lược phù hợp.
WGC nhận định vàng là thành phần quan trọng trong khối dự trữ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, nhờ tính an toàn, thanh khoản cao và có thể sinh lời. Đây là ba mục tiêu đầu tư cơ bản của các ngân hàng trung ương. Vì vậy, các cơ quan này cũng là nhóm nắm giữ vàng lớn của thế giới, chiếm 20% số vàng được khai thác trên toàn cầu đến nay.
Có nên đổ tiền vào vàng thời điểm này?
Trước “cơn sốt” giá vàng trên thế giới và tại Việt Nam, nhà đầu tư nên cẩn trọng khi đầu tư vào vàng bởi thị trường vàng biến động khó lường, rủi ro cao khi khoảng cách giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn khá lớn.
Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu – Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu, mọi người hãy cẩn thận và tự kềm chế trong cơn sốt vàng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu dự báo, chưa tới cuối năm nay, giá vàng thế giới có thể tăng lên mức 3.000 USD/ounce, khiến giá vàng nhẫn trong nước lên tới 80 triệu đồng/lượng.
“Thời gian tới khi giá vàng trong nước tiếp tục tăng theo giá vàng thế giới sẽ tác động tới cả nền kinh tế vĩ mô. Thấy giá vàng lên mạnh, người dân sẽ lo sợ lạm phát tăng lên, từ đó dẫn đến hiện tượng ‘té nước theo mưa’, giá các loại hàng hóa cũng có thể bị điều chỉnh tăng", ông Hiếu nói.
Với nhà đầu tư, vị chuyên gia này đưa ra lời khuyên: Giá vàng đang rất sốt, không nên nóng vội, bỏ hết vốn liếng đầu tư vào vàng. Nên theo dõi kỹ lưỡng thông tin từ các kênh, các tuyên bố, động thái của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các diễn biến mới nhất từ thị trường.
"Trong cơn sốt vàng, tuyệt đối tránh tình trạng vay tiền để mua vàng. Bởi khi vàng đột ngột rớt giá, người vay sẽ cùng lúc phải chịu áp lực nặng nề từ việc thất thoát tiền bạc và trả nợ", TS. Nguyễn Trí Hiếu lưu ý.
Cũng bày tỏ quan điểm lạc quan về giá vàng, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhận định, từ nay đến cuối năm, giá vàng thế giới có thể lên 2.600 USD/ounce. Theo đó, giá vàng nhẫn trong nước có thể tăng lên khoảng 77 - 78 triệu đồng/lượng.
Thời điểm thị trường tăng “nóng” là thời điểm không dành cho nhà đầu tư nhỏ lẻ. Vì xác suất thắng có nhưng rủi ro quá cao. Còn về dài hạn, nhà đầu tư nên đa dạng danh mục, có thể mua vàng rồi cất giữ, không quan tâm giá lên xuống trong vài năm.