Giá xăng, điện tăng không phải do CPI âm liên tiếp

Không có chuyện mâu thuẫn khi chúng ta vừa điều chỉnh giá xăng dầu, vừa có những hỗ trợ cho doanh nghiệp,

Điện, xăng dầu tăng, giảm là bình thường

Trong bối cảnh doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, tình hình sản xuất và tồn kho của doanh nghiệp lớn, việc đồng loạt tăng giá một số mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu, gas đã làm ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu trong bối cảnh này dường như có mâu thuẫn với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Bộ Công thương.

Giải thích về vấn đề này, ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước – Bộ Công thương cho rằng, lộ trình điều chỉnh giá điện, xăng dầu, than, nước… là cần thiết và được thực hiện hết sức cẩn trọng. Giá xăng dầu gần đây được Chính phủ tiếp tục cho thực hiện điều tiết theo giá thị trường, nhưng mức độ can thiệp của nhà nước đã có giảm bằng việc giữ công cụ thuế. Bằng chứng là xăng tăng giá 12% nhưng được trích khoảng 300 – 500 đồng/lít vào quỹ bình ổn giá theo quy định của Bộ Tài chính để dự phòng cho những thời điểm cần thiết can thiệp.

Và như thế, ông Quyền khẳng định: “Không có chuyện mâu thuẫn khi chúng ta vừa điều chỉnh giá xăng dầu (có lúc tăng, lúc giảm) vừa có những hỗ trợ cho doanh nghiệp, bởi đối với khó khăn của doanh nghiệp cần phải có những giải pháp giải quyết khó khăn. Tăng giá mặt hàng thiết yếu và hỗ trợ doanh nghiệp đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau”.

Nhiều quan điểm cho rằng, chỉ số tiêu dùng CPI trong hai tháng 6 và 7 tăng trưởng âm liên tiếp là nguyên nhân dẫn đến việc tăng giá điện, giá xăng dầu. Ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước – Bộ Công thương khẳng định, không thể lấy lý do CPI giảm làm tăng giá các mặt hàng thiết yếu. Việc xăng dầu thế giới tăng thì chúng ta thực hiện theo Nghị định 84 để điều chỉnh. Mức độ tăng như thế nào vẫn đang thực hiện theo quy định của Nhà nước. Nhà nước trao quyền cho doanh nghiệp nhưng vẫn hoàn toàn kiểm soát nguyên tắc, quy trình, trình tự và mức độ tăng, không phải doanh nghiệp tăng giảm giá tùy tiện. Việc điều hành chung của nền kinh tế nằm trong tổng thể chung của nền kinh tế vĩ mô, không tác động đến việc tăng giảm giá.

Đối với mặt hàng điện, ông Đặng Huy Cường – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công thương cho rằng, việc điều chỉnh các chính sách về giá điện đã được Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan quản lý hết sức chặt chẽ, vì điện là thông số đầu vào cho hầu hết các ngành kinh tế. Thời gian vừa qua, việc điều chỉnh giá điện đã được Liên Bộ Công thương – Tài chính cân nhắc hết sức thận trọng về mức độ điều chỉnh cũng như thời điểm điều chỉnh.

Trên thực tế, do các năm 2010 – 2011, để đảm bảo nhiệm vụ chính trị, kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát nên ngành điện đã phải bán điện dưới giá thành sản xuất, tạo ra khoản lỗ trên 10.000 tỷ đồng đối với sản xuất kinh doanh điện và trên 25.000 tỷ đồng đối với lỗ do chênh lệch bù giá trong sản xuất kinh doanh điện.

“Từ cuối tháng 11/2011, Liên Bộ Công thương – Tài chính đã tính toán giá thành sản xuất kinh doanh điện cũng như các yếu tố khác. Năm 2012, liên bộ đã đề xuất tăng giá điện trên 10% so với giá thành tại thời điểm năm 2011, tuy nhiên việc điều chỉnh này đã được cân nhắc rất kỹ càng. Việc tăng giá điện ở vào hai thời điểm 12/2011 và ngày 1/7 vừa qua với mức 5% cho mỗi đợt đã thể hiện sự cân nhắc cẩn trọng đó, giảm mức ảnh hưởng thấp nhất đền nền kinh tế vĩ mô cũng như ảnh hưởng đến an sinh xã hội” – ông Cường cho hay.

Cũng theo ông Cường, việc điều chỉnh giá điện đã thể hiện sự nhất quán trong chỉ đạo của Nghị quyết Quốc hội khóa XIII tháng 10/2011 cũng như Quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa giá điện tiệm cận với giá thị trường vào năm 2013.

Đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng

Trước thực tế trong tháng 7, lượng hàng tồn kho của ngành than tăng cao trên 10 triệu tấn, làm ảnh hưởng đến tiền lương của công nhân Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Bên cạnh đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng nợ Vinacomin và có sự bất hợp lý về giá trong giá bán than cho phát điện. Thứ trưởng Bộ Công thương - Nguyễn Nam Hải cho rằng, hiện tại cả hai tập đoàn này đang gặp phải những khó khăn riêng, EVN cũng đang tồn đọng khoản lỗ rất lớn.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải, giá than Vinacomin bán cho EVN cũng đang dần từng bước hướng theo giá thị trường nhưng chưa thể áp dụng ngay trong một sớm một chiều. Vấn đề này hai bên sẽ bàn bạc cụ thể với nhau, Bộ Công thương, Bộ Tài chính cũng sẽ có ý kiến và trình với Chính phủ giải quyết, làm sao đó để hài hòa và có thể thỏa mãn được cho cả hai bên.

“Bộ Công thương sẽ tìm cách tháo gỡ từng bước về mối quan hệ giữa hai tập đoàn, đồng thời đảm bảo cho được quyền lợi của người tiêu dùng. Nếu cùng lúc để giá than cho điện tăng mạnh quá, điện lại phải tăng giá thêm trong điều kiện hiện nay người dân và doanh nghiệp sẽ cực kỳ khó khăn trong sản xuất và đời sống. Bộ Công thương cùng các Bộ, ngành có liên quan hết sức quan tâm về vấn đề này, vừa làm sao để chúng ta thực hiện điều tiết giá các mặt hàng thiết yếu theo giá thị trường, vừa phải có những giải pháp giảm thuế vào lúc thích hợp, đồng thời cho phép các tập đoàn bắt đầu quyết định một số chính sách giá trong điều kiện, mức độ nhất định” - Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải khẳng định./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên