Giá xuống đáy, lãi suất cao, nhiều nhà vườn chặt bỏ cây cao su
VOV.VN -Tại Gia Lai, nhiều doanh nghiệp trồng cao su khó khăn, giá xuống đáy trong khi lãi suất tăng cao, khả năng thua lỗ lớn, nhà vườn chặt bỏ cao su.
Mong có chính sách bảo trợ nông nghiệp
Phát biểu tại Hội nghị giữa Thủ tướng và doanh nghiệp năm 2016, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai cho rằng, trong điều kiện doanh nghiệp (DN) trồng cao su khó khăn, giá xuống đáy trong khi lãi suất tăng cao, khả năng thua lỗ lớn. Nhiều doanh nghiệp, nhà vườn đã phải chặt bỏ vườn cao su. Ngoài ra, nhiều nông sản khác cũng trong tình cảnh tương tự.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai cho rằng, giá cao su giảm, doanh nghiệp trồng cao su thua lỗ (Ảnh minh họa: KT) |
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai mong muốn Thủ tướng Chính phủ có chính sách bảo trợ, bảo hiểm đối với lĩnh vực nông nghiệp, bảo vệ nông sản trước tình hình chồng chất khó khăn hiện nay.
Hiệp hội Doanh nghiệp Gia Lai cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách chỉ đạo hạn ngạch cho xe qua cửa khẩu giữa Việt Nam và Lào, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa. Vì thực tế hiện nay hạn ngạch này chỉ ở mức 500 xe, không đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp. Hơn nữa, việc cấp hạn ngạch xe lưu thông giữa Việt Nam và Lào chỉ được xem xét khi địa phương có kiến nghị gởi cơ quan chức năng. Việc xử lý cấp hạn ngạch chậm trễ có thể ảnh hưởng tới tiến độ lưu thông hàng hóa giữa hai quốc gia, đặc biệt là hàng nông sản.
Trung Quốc và Ấn Độ là 2 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2016, chiếm 61,62% thị phần. Ba tháng đầu năm 2016, giá trị xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc tăng 19,47% nhưng thị trường Ấn độ giảm 16,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo đánh giá của Trung tâm Tin học và thống kê (Bộ NN-PTNT), giá cao su thành phẩm tại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh tuần giữa tháng 4/2016 giảm nhẹ cùng với xu hướng của thị trường cao su thế giới. Xuất khẩu cao su thiên nhiên dưới dạng sản phẩm sơ chế hỗn hợp sang thị trường Trung Quốc duy trì ở mức thấp. Theo hệ chính ngạch qua cửa khẩu Móng Cái trong tuần đạt 520 tấn, chỉ bằng 10% so với mức trung bình của thời điểm cao trước đây.
Các lô hàng cao su vận chuyển đường biển xuất khẩu chính ngạch, điều kiện CIF tại cảng Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc) đã có khách giao dịch nhập khẩu thường xuyên hơn trước, sản lượng đã tăng thêm vài trăm tấn. Tại sàn giao dịch này, cao su Việt Nam không tránh khỏi cạnh tranh với cao su của các nước Đông Nam Á khác. Có giữ vững được thị trường hay không phải giải quyết tốt hai yếu tố cơ bản là chất lượng sản phẩm và giá cả hợp lý.
Xem lại quy định xử lý chất thải chăn nuôi
Cũng tại Hội nghị này, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) kiến nghị, cần có cơ chế cho phép bò, bê sữa do Vinamilk nhập khẩu là con giống, đồng thời, điều chỉnh các quy định về con giống, nhập khẩu con giống cho hợp thông lệ quốc tế, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp khi có nhu cầu trong lĩnh vực này.
Đại diện DN Nhật Bản tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam có tiềm năng phát triển nông nghiệp. Các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam rất đa dạng, phong phú và Việt Nam có thể hưởng lợi trong việc tạo ra sản phẩm cung ứng cho thị trường thế giới ngày càng rộng lớn. Nước Nhật có kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, bí quyết làm ra sản phẩm an toàn, đặc biệt là có hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm rất tốt, giúp Nhà nước truy tìm dễ dàng đơn vị vi phạm về an toàn sản phẩm, vi phạm tiêu chuẩn… và khuyến khích người sản xuất sản phẩm an toàn, hợp pháp, tin cậy. Vì thế, doanh nghiệp Nhật Bản rất mong tìm hiểu cơ hội và hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bà Liên nhấn mạnh rằng, Nhà nước cần coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chứ không phải đối tượng quản lý. Trả lời ý kiến doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết bảo vệ doanh nghiệp. Thủ tướng nhấn mạnh, sức cạnh tranh của DN nước ta có xu hướng giảm, do thể chế cũng như thủ tục phiền hà góp phần làm chi phí cao. Thực trạng DN ngày càng nhỏ đi về quy mô, thiếu hụt DN có quy mô vừa, quy mô lớn, chỉ số khả năng thanh toán ít cải thiện, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp. Theo Thủ tướng Chính phủ, sự hụt hơi, yếu kém của nền kinh tế Việt Nam này cần phải nhìn thẳng vào đó để khắc phục, cải thiện./.