Giải ngân vốn đầu tư công chậm, cần xem xét trách nhiệm chủ đầu tư
VOV.VN - Mặc dù đứng thứ 4 trong các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước, nhưng tỉnh Thanh Hoá vẫn còn một số lĩnh vực, dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, chỉ đạt từ 2 đến 3%, nhiều dự án không thể triển khai do vướng mắc chính từ phía chủ đầu tư.
Theo Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Thanh Hoá, tính đến tháng 8/2021, giá trị khối lượng thực hiện ước đạt 5.992 tỷ đồng, bằng 60,6% kế hoạch, giải ngân đạt 6.690 tỷ đồng, bằng 67,7% kế hoạch vốn chi tiết được giao. Mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh đạt yêu cầu đề ra, nhưng một số lĩnh vực tỷ lệ giải ngân rất thấp, đặc biệt các dự án thuộc lĩnh vực văn hoá, chỉ giải ngân được 2 đến 3%.
“Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do chủ đầu tư chậm trình dự án. Cái này là do năng lực trong quá trình tổ chức thực hiện, trình duyệt kế hoạch, lựa chọn tư vấn như thế nào đều do chủ đầu tư quyết hết. Hiện nay, có một số dự án giao tiền rồi nhưng không giải ngân được. Bởi vì quá trình trước lúc duyệt dự án ban đầu, đặc biệt là các dự án ODA, đơn vị chủ đầu tư và tư vấn rất thiếu trách nhiệm, khảo sát không kỹ. Đến khi triển khai chi phí giải phóng mặt bằng tăng lên 3 lần, thậm chí 4 lần. Khảo sát không kỹ dẫn đến giải phóng mặt bằng lúc duyệt dự án chỉ có 200 tỷ bây giờ lên 800 tỷ đồng, riêng tiền cân đối không có. Bóc tách ra là lúc khảo sát tính thiếu khối lượng chứ không phải là giải phóng bằng tăng giá. Một là thiếu trách nhiệm. Thứ hai là muốn đẩy giải phóng bằng thấp lúc duyệt vốn đối ứng của tỉnh ít, duyệt cho nhanh”, ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Thanh Hoá lý giải.
Chỉ rõ một số dự án tại thị xã Nghi Sơn, mới giải phóng mặt bằng được 13%, mặc dù chủ trương được duyệt từ năm 2019, đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa trình duyệt dự án, chưa có cơ sở đấu thầu, giải ngân, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hoá cho rằng, trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn lơ là, không sát thực; nhiều dự án vượt mức đầu tư.
“Đừng nói chuyện giá, có dự án đất tăng gấp đôi, dự toán ban đầu 50 hecta sau tăng lên 106 hecta, và như thế tổng mức đầu tư từ 220 tỷ giải phóng mặt bằng lên 820 tỷ đồng, lỗi này sao nói đếm sai, đếm nhầm được. Không phải 1 dự án mà nhiều dự án. Cho nên phải có quy định trách nhiệm chủ đầu tư khi bị sai, chậm tiến độ. Rất nhiều dự án có tiền không làm nổi, rồi quy hoạch sử dụng đất cũng chậm, tính tiền sử dụng đất cũng chậm”, ông Nguyễn Văn Thi chỉ rõ.
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, vừa góp phần kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa tạo thêm việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động. Chính vì vậy, Thanh Hoá đã tổ chức nhiều cuộc họp để phân tích, tìm nguyên nhân và đề ra giải pháp, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Theo ông Đào Vũ Việt, Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hoá, cần gắn vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư: “Chủ đầu tư không phối hợp thì các huyện, thị muốn làm nhanh cũng không làm được, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ trong giải phóng mặt bằng. Vậy phải rà soát kỹ, chúng ta đưa vào từ đầu những dự án có tính khả thi, chứ nhiều huyện cứ đưa dự án vào nhưng không hề có tính khả thi, dẫn đến bây giờ mới làm được hai mấy % là vì vậy. Đề nghị rút kinh nghiệm, sang năm phải rà soát kỹ ngay từ đầu”.
Để đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công, lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt như, quy định cụ thể các mốc thời gian hoàn thành theo kế hoạch vốn năm 2021; phân công lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh trực tiếp theo lĩnh vực, chỉ đạo thực hiện, giải ngân vốn của các dự án lớn, trọng điểm và yêu cầu các chủ đầu tư ký cam kết tiến độ thực hiện giải ngân vốn; yêu cầu các địa phương ký cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng; định kỳ rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn của dự án có tiến độ giải ngân chậm sang cho các dự án có tiến độ giải ngân nhanh, có nhu cầu bổ sung vốn…/.