Giải ngân vốn đầu tư công: Quan trọng ở quyết tâm và nhận thức trong thực thi của các bên

VOV.VN - Theo số liệu thống kê, 11 tháng năm nay, vốn đầu tư công thực hiện đạt tỷ lệ 79,3% kế hoạch năm. Mặc dù đạt kỷ lục về lượng giải ngân nhưng tỷ lệ giải ngân là chưa đạt yêu cầu.

Quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công là từ khóa quan trọng nhất cần ghi nhận của năm 2020. Ngay từ đầu năm, vốn đầu tư công được xác định không chỉ là vốn “mồi” mà phải trở thành nguồn lực chính thúc đẩy phục hồi kinh tế trong dịch Covid-19. Do đó, chưa có năm nào quyết tâm giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công lại mạnh mẽ như năm nay. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục có chỉ đạo với những giải pháp quyết liệt tại các Nghị quyết, Chỉ thị, nhất là thường xuyên tổ chức giao ban trực tuyến toàn quốc để đôn đốc và tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện đầu tư công, đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn. Theo đó, quyết tâm từ các cấp cao nhất đã được lan tỏa xuống cấp thực thi ở cơ sở, tạo ra những kỷ lục trong thực hiện dự án đầu tư công. Một ví dụ cụ thể về tiến độ giải phóng mặt bằng dự án, được ghi nhận đó là Dự án Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ.

“Thực hiện dự án, công tác giải phóng mặt bằng bắt đầu từ tháng 4, thực hiện lệnh giãn cách xã hội Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ, khó khăn trong công tác vận động, các cấp Chính phủ vào cuộc quyết liệt vượt qua khó khăn giãn cách xã hội đạt kết quả nên 20 ngày đã hoàn thành chi trả giải phóng mặt bằng. Trong đó, ảnh hưởng 285 hộ dân với tổng diện tích 139.000 m2”, ông Phạm Văn Hào, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng cho biết.

Trải qua những khoảng thời gian cách ly và giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, mà vẫn có những kỷ lục về tiến độ giải phóng mặt bằng như dự án Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, điều này cho thấy “nút thắt” cố hữu của đầu tư công luôn có thể tháo gỡ nếu có quyết tâm thực thi và nỗ lực vận động để có được sự đồng thuận của người dân.

Đây cũng là kinh nghiệm giúp Thanh Hóa đứng trong nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.

“Cần minh bạch chính sách, chế độ cho người dân, không để tư tưởng càng chậm càng được lợi, người gương mẫu đi trước lại thiệt, ở lại được đặc thù lợi ích cao. Chúng tôi đảm bảo mặt bằng có 50% khi khởi công công trình, chọn điểm có dư địa triển khai tiếp, như đường cao tốc Mai Sơn - Ninh Bình - Thanh Hóa, chưa khởi công đã đạt 93%”, ông Mai Xuân Liêm, phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá chia sẻ.

Có thể nói, qua một năm nỗ lực thúc đẩy đầu tư công với khối lượng dự án và vốn tăng gấp đôi gấp ba các năm trước, đã giúp nhìn nhận rõ những nguyên nhân chủ yếu khiến tỷ lệ giải ngân chưa đạt yêu cầu. Tiến độ triển khai các dự án cũng có những bất hợp lý khi lơi lỏng đầu năm, vội vã cuối năm.

“Chậm giải ngân là chúng ta có tiền rồi mà chậm thủ tục thì tiền không ra được, nên phải làm sớm. Trong Luật Đầu tư công, có điểm mới là cho phép chuẩn bị đầu tư bất cứ lúc nào. Để giải ngân tốt cần sẵn sàng dự án, đòi hỏi công tác chuẩn bị đầu tư cần làm sớm, kế hoạch đầu tư chuẩn xác. Bây giờ tiền chờ dự án, chờ thủ tục, đủ thủ tục lại hết kế hoạch, ví dụ tháng 1 có kế hoạch, có tiền mới phê duyệt dự án, chủ trương đầu tư, đấu thầu, mà nhanh cũng phải tháng 11 mới khởi công, chỉ còn 2 tháng giải ngân thì tiền chờ từ đầu năm đến tháng 11 không giải ngân được, tỷ lệ giải ngân thấp và dồn cuối năm”, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận.

Rõ ràng, cần khắc phục tình trạng tiền chờ dự án trong 11 tháng, có tiền mà không tiêu được. Bởi trong thời gian đó, Chính phủ vẫn phải trả lãi vay vốn đầu tư công, và nguồn lực quốc gia bị lãng phí, kém hiệu quả. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực thực thi dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án.

Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, là Bộ có một số dự án phải “trả lại”, nêu thực tế: “Nguyên nhân là do năng lực thực hiện dự án còn hạn chế vì phần lớn kiêm nhiệm, không chuyên sâu, dự án nào bộ quản lý thì tiến độ tốt hơn, dự án giao thầy cô làm thì chậm hơn. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các đơn vị cũng chưa chặt chẽ đồng bộ”.

Nhìn chung, yêu cầu đặt ra là công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách cần  sát với thực tế cũng như khả năng giao vốn và khả năng giải ngân vốn, để có thể phân bổ được hết số vốn kế hoạch và đảm bảo khả năng thực hiện dự án. Điều này đặc biệt thấy rõ qua việc chuyển trả vốn đầu tư công, nhất là từ nguồn vốn vay nước ngoài ODA, một hiện tượng “mới” của năm nay.

“Dự án ODA thường từ lúc đàm phán đến lúc triển khai là 5 năm, thì tình hình kinh tế - xã hội thay đổi nhiều, khi ký Hiệp định phải ký theo 5 năm trước, lúc làm thì phải thay đổi rất nhiều và mỗi một lần thay đổi, thủ tục rất lâu. Hai là bắt đầu vào chính thức triển khai thì phải đàm phán với nhà tài trợ rất nhiều điều khoản”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nói.

Tất nhiên, cần tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục thẩm định, phê duyệt, đàm phán ký kết Hiệp định và điều chỉnh của dự án có nguồn vốn vay hoặc hỗ trợ từ nước ngoài. Nhưng qua hiện tượng chuyển trả vốn đầu tư công của năm nay cũng cho thấy, các đơn vị đã phải cân nhắc cẩn trọng hơn về hiệu quả của đồng vốn ngân sách bỏ ra, chứ không còn dám “nhắm mắt tiêu liều” như trước đây. Thực tế, những năm trước đây có tình trạng nhiều bộ, ngành, địa phương chủ trương là cứ xin dự án đầu tư để có thêm nguồn vốn, còn “năng lực” triển khai thì từ từ thu xếp, có lỡ hẹn hoàn thành thì lại xin gia hạn là xong. Nhưng Luật Đầu tư công 2019 đã có các quy định chặt chẽ hơn, đặc biệt Chính phủ đẩy mạnh yêu cầu quy trách nhiệm cho người đứng đầu nếu các dự án đầu tư công bị chậm trễ, không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước. Điều này làm các nơi đã nghiêm túc rà soát lại các dự án, đảm bảo hiệu quả và khả thi. Rõ ràng, việc siết chặt kỷ luật kỷ cương trong lĩnh vực đầu tư công, cũng là giải pháp đảm bảo tiến độ và tốc độ giải ngân được thông suốt. Do đó, giải pháp này cũng cần tiếp tục triển khai quyết liệt trong thời gian tới.

Đầu tư công, từ vai trò vốn “mồi” chuyển thành nguồn lực chính thúc đẩy phục hồi kinh tế trong dịch Covid-19. Chuyển biến này trong năm qua đã khiến đầu tư công vươn lên dẫn dắt đầu tư toàn xã hội, giúp khơi thông mạch chảy kinh tế và ổn định tâm lý cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng cần nhìn nhận rằng, dù đầu tư công còn phải tiếp tục vai trò động lực chính cho hồi phục kinh tế trong dịch Covid-19, hay là quay trở về với vai trò “nguồn vốn mồi” cho phát triển trong nhịp sống kinh tế bình thường, thì việc đạt tiến độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn là yêu cầu quan trọng đặt ra. Kinh nghiệm và giải pháp thực hiện cũng như thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cho thấy, quan trọng vẫn nằm ở quyết tâm và nhận thức trong thực thi cả các bên có liên quan./.

Bài viết cùng loạt bài: "Đầu tư công 2020 và câu chuyện giải ngân"

Bài 1: Đầu tư công - vốn "mồi" góp phần tạo nên tăng trưởng 2020

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đầu tư công - vốn "mồi" góp phần tạo nên tăng trưởng 2020
Đầu tư công - vốn "mồi" góp phần tạo nên tăng trưởng 2020

VOV.VN - Chưa có năm nào câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công trở nên quan trọng như năm 2020, vì đây là nguồn vốn góp phần tạo nên tăng trưởng của nền kinh tế.

Đầu tư công - vốn "mồi" góp phần tạo nên tăng trưởng 2020

Đầu tư công - vốn "mồi" góp phần tạo nên tăng trưởng 2020

VOV.VN - Chưa có năm nào câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công trở nên quan trọng như năm 2020, vì đây là nguồn vốn góp phần tạo nên tăng trưởng của nền kinh tế.

Hà Nội cần hơn 482.000 tỷ đồng đầu tư công trung hạn 5 năm
Hà Nội cần hơn 482.000 tỷ đồng đầu tư công trung hạn 5 năm

VOV.VN - Theo đề xuất của các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã nhu cầu vốn cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 khoảng 482.780 tỷ đồng

Hà Nội cần hơn 482.000 tỷ đồng đầu tư công trung hạn 5 năm

Hà Nội cần hơn 482.000 tỷ đồng đầu tư công trung hạn 5 năm

VOV.VN - Theo đề xuất của các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã nhu cầu vốn cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 khoảng 482.780 tỷ đồng

Vốn đầu tư công: Khơi mãi vẫn chưa thông
Vốn đầu tư công: Khơi mãi vẫn chưa thông

VOV.VN - Tổng giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của các địa phương 9 tháng qua chưa đạt yêu cầu. Nếu so với dự toán giảm trừ do các địa phương trả lại dự toán, tỷ lệ giải ngân đạt 32,43%.

Vốn đầu tư công: Khơi mãi vẫn chưa thông

Vốn đầu tư công: Khơi mãi vẫn chưa thông

VOV.VN - Tổng giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của các địa phương 9 tháng qua chưa đạt yêu cầu. Nếu so với dự toán giảm trừ do các địa phương trả lại dự toán, tỷ lệ giải ngân đạt 32,43%.