Giải pháp hỗ trợ DN vượt Covid-19 cơ bản chưa triển khai trong thực tế

VOV.VN -Mong ngóng chính sách hỗ trợ của nhà nước mau thành hiện thực, nhiều doanh nghiệp đang kiên cường "chống bão" Covid-19 bất chấp khó khăn đủ đường

Do tác động của đại dịch Covid-19, cả nước có gần 35.000 doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường trong quý I vừa qua. Đây cũng là con số kỷ lục từ trước đến nay và là lần đầu tiên trong hàng thập kỷ qua số lượng DN rút lui khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Gần 85% doanh nghiệp trong mẫu khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, dịch bệnh đã khiến cho thị trường tiêu thụ của họ bị thu hẹp; gần 60% doanh nghiệp cho rằng, dịch bệnh đã khiến họ thiếu vốn và "đứt" dòng tiền cho kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp vẫn đang kiên cường "chống bão" Covid-19 để tồn tại dù khó khăn trăm bề. (Ảnh minh họa)

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, DN đang rất mong ngóng chính sách hỗ trợ của nhà nước đi vào cuộc sống. "Các mũi giáp công khá đồng bộ, toàn diện với việc cả hệ thống chính trị vào cuộc để yểm trợ cho doanh nghiệp với tinh thần bảo vệ doanh nghiệp là bảo vệ nền kinh tế. Vấn đề còn lại là tổ chức thực thi làm sao phải nhanh, minh bạch, nhất quán và đồng bộ", ông Lộc nói.

Nhanh một ngày là doanh nghiệp có thể phục hồi, chậm một ngày doanh nghiệp có thể bị xóa sổ... Do đó, nhiều doanh nghiệp như đang "ngồi trên đống lửa".

Hơn 3 tháng nay, công ty sản xuất và kinh doanh nội thất của Lê Văn Hoàng (Minh Khai, Hai Bà Trưng Hà Nội) phải tạm ngừng sản xuất và hoạt động cầm chừng vì "bí" đầu ra. Trong khi đó công ty vẫn phải "gồng mình" chi trả tiền thuê nhà xưởng, nhân viên, chịu khấu hao máy móc với hy vọng sớm được nhà nước hỗ trợ và dịch bệnh sớm được kiểm soát để tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Dương cho biết, toàn bộ thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đến nay hầu như đã "đóng băng" hoặc còn lác đác vài đơn hàng. "Chắc chắn còn lâu mới quay trở lại được bình thường. Thị trường toàn cầu gần như mất hết", ông Hiệp nói.

Song ông Hiệp không hoàn toàn bi quan khi cho rằng, hoạt động sản xuất kinh doanh trùng xuống trong giai đoạn này nhưng lại tạo ra khoảng thời gian để DN nhìn nhận lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, tìm ra các khía cạnh, các khâu chưa hiệu quả, từ đó đưa ra phương án cải thiện để nâng cao hiệu qủa sản xuất, nâng cao năng suất lao động.

"Đây là thời điểm tốt để ngồi nhìn lại cái gì cần cải thiện, nâng cao tay nghề cho công nhân, nâng cao năng suất lao động, sẵn sàng chuẩn bị cho các hoạt động sau dịch", ông Hiệp chia sẻ.

Là một đơn vị cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, ông Vũ Hải Bằng, Tổng giám đốc công ty Woodsland, cho hay, công ty đã phải tạm ngừng hoạt động sản xuất bởi các đơn hàng bị hoãn, hủy. "Mọi việc diễn ra quá nhanh, chỉ trong vòng mầy tuần qua. Hiện công ty cũng chưa nhận được đơn hàng từ tháng 5 trở đi. Dự kiến 6-7 tuần nữa mới có thêm thông tin các cửa hàng bên kia có nhận hàng của mình nữa hay không", ông Bằng nói.

Rất nhiều DN, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang rất mong ngóng chính sách hỗ trợ, "giải cứu" từ phía nhà nước. Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, tiếp sức bằng nguồn lực là hữu hạn, tiếp sức bằng thể chế, bằng niềm tin là vô hạn.

Cộng đồng doanh nghiệp mong rằng cải cách thể chế sẽ được đẩy mạnh trong những tháng tới đây để yểm trợ và làm bệ đỡ cho doanh nghiệp vượt qua đại dịch và chuẩn bị tâm thế cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau này.

Theo đánh giá của TS. Phạm Sỹ Thành - chuyên gia kinh tế, hiện tại, các giải pháp hỗ trợ bước đầu mới chỉ là chính sách ứng phó dịch bệnh mà chưa tính đến các phương án hỗ trợ sau dịch bệnh. "Chúng ta đang quá tập trung vào chống dịch hơn là tính đến các biện pháp phục hồi, giúp hỗ trợ DN thoát khỏi khủng hoảng, nguồn lực hỗ trợ còn thấp và thiếu, các biện pháp thoạt nhìn toàn diện nhưng chưa thấy trọng tâm và cơ bản chưa triển khai trong thực tế", TS. Thành thẳng thắn nhìn nhận.

Theo TS. Phạm Sỹ Thành, các chương trình của Chính phủ được thực hiện quá chậm chạp, mới chỉ lên phương án hỗ trợ tài chính cho các DN mà chưa giải ngân được nhiều. "Ở thời điểm nào thì liều thuốc kích thích thực sự được bơm vào nền kinh tế? Tôi nghĩ về quy mô, tốc độ và đích ngắm,... đều thiếu. Đó là điều phải khắc phục nhanh nếu không muốn các doanh nghiệp đối diện với khó khăn hơn nữa, nhất là khi dịch vẫn chưa biết còn kéo dài đến bao giờ", TS. Thành chỉ rõ./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên